Kỷ luật buộc thôi việc và sa thải là hai khái niệm pháp lý thường bị nhầm lẫn. Vậy, kỷ luật buộc thôi việc có thực sự là sa thải hay không? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ sự khác biệt giữa hai hình thức này, từ đó giúp bạn nắm bắt đúng quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quan hệ lao động
I. Hình thức kỷ luật buộc thôi việc là gì?
Buộc thôi việc là một trong những hình thức kỷ luật công chức, viên chức trong quy định của pháp luật hiện nay. Cụ thể:
Tại Khoản 15, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 (Sửa đổi, bổ sung Điều 79, Luật Cán bộ, công chức năm 2008) như sau: “Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
- Khiển trách;
- Cảnh cáo;
- Hạ bậc lương;
- Giáng chức;
- Cách chức;
- Buộc thôi việc.
Tương tự, đối với viên chức, theo quy định tại Điều 52 Luật viên chức năm 2010: Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:
- Khiển trách;
- Cảnh cáo;
- Cách chức;
- Buộc thôi việc.
II. Kỷ luật buộc thôi việc có phải là sa thải không?
Mặc dù đều dẫn đến hệ quả là chấm dứt quan hệ lao động, tuy nhiên, buộc thôi việc và sa thải là hai hình thức kỷ luật hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:
- Hình thức kỷ luật sa thải áp dụng với người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động, được áp dụng trong phạm vi doanh nghiệp.
- Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng với công chức, viên chức vi phạm pháp luật, không hoàn thành nhiệm vụ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
III. Các trường hợp bị buộc thôi việc
Điều 13, Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định rõ các trường hợp công chức sẽ bị buộc thôi việc nếu vi phạm pháp luật gồm:
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm;
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Nghị định này;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền;
- Ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này, hình thức kỷ luật buộc thôi việc còn được áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này.
Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định các hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức trong các trường hợp sau đây:
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định này;
- Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định này;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066