Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác lập hội, hội họp hợp pháp.
Mục lục
1. Quy định về tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân
Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân được quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự 2015:
“Điều 163. Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác lập hội, hội họp hợp pháp, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Dẫn đến biểu tình;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
2. Cấu thành tội phạm tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân
2.1 Mặt khách thể
Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân xâm phạm đến quyền hội họp và lập hội của công dân – một trong những nội dung của quyền tự do, dân chủ của công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.
2.2 Mặt khách quan
Tội phạm được thực hiện bằng hành vi cản trở người khác thực hiện quyền hội họp, lập hội với những thủ đoạn như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng bất kỳ thủ đoạn nào khác nhằm ngăn cản hoặc ép buộc người đó hội họp hoặc lập hội một cách hợp pháp, bất chấp việc chủ thể trước đó đã từng bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này. Dấu hiệu đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính là dấu hiệu bắt buộc để định tội và là dấu hiệu quan trọng để phân biệt hành vi là tội phạm hay chỉ là vi phạm pháp luật khác.
Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội nhưng lại có ý nghĩa để Tòa cân nhắc khi quyết định hình phạt hoặc cũng có thể trở thành tình tiết định khung hình phạt theo quy định tại Khoản 2 của điều luật.
2.3 Mặt chủ quan
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc để định tội.
2.4 Mặt chủ thể
Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên. Thực tế cho thấy, người phạm tội thường là người có trách nhiệm hoặc có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ngăn cản hoặc ép buộc người khác lập hội, hội họp hợp pháp.
Bài viết trên đây đã nói ngắn gọn về tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên viên: Ms. Thương