Quốc gia là chủ thể đầu tiên, cơ bản, chủ yếu của hệ thống pháp luật quốc tế, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng pháp luật quốc tế. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu vai trò của quốc gia trong xây dựng pháp luật quốc tế trong bài viết dưới đây nhé.
Mục lục
1. ĐIỀU KIỆN CÔNG NHẬN MỘT QUỐC GIA THEO LUẬT QUỐC TẾ
- Điều 1 Công ước Montevideo 1933 quy định: “Một quốc gia với tư cách là chủ thể của luật pháp quốc tế nên có các tiêu chí sau: a) dân cư thường trú; b) lãnh thổ xác định; c) chính quyền; và d) khả năng tham gia vào quan hệ với các quốc gia khác”.
- Bốn yếu tố được quy định là những dấu hiệu để nhận biết một thực thể là quốc gia, là những tiêu chí được chấp nhận rộng rãi hiện nay.
- Quốc gia là một nước, cũng chính là chủ thể có quyền năng nguyên thủy và đầy đủ của Luật quốc tế. Quốc gia là chủ thể duy nhất có những khả năng để tự xác lập, cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ cho chính mình, đồng thời là chủ thể duy nhất có quyền tạo lập ra và khả năng tạo lập ra chủ thể mới của Luật quốc tế là các tổ chức liên Chính phủ.
- Thực tế cho thấy, quốc gia có quyền năng đầy đủ do nó hội tụ được nhiều yếu tố, trong đó có bốn yếu tố chính là có lãnh thổ xác định, dân cư ổn định, có một chính phủ và có năng lực tham gia vào quan hệ quốc tế với các chủ thể khác. Bên cạnh đó, chủ quyền – thuộc tính chính trị pháp lý của quốc gia mà các chủ thể khác không có đầy đủ.
2. VAI TRÒ CỦA QUỐC GIA TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ
2.1 Quốc gia là chủ thể ban đầu hình thành pháp luật quốc tế
- Quốc gia xuất hiện như một chủ thể đầu tiên của Luật quốc tế. Sự tồn tại của quốc gia cũng chính là sự tồn tại của Luật quốc tế. Luật quốc tế ra đời từ nhu cầu thực thi chức năng của Nhà nước nên chức năng chính của Luật quốc tế từ khi mới xuất hiện đến nay là điều chỉnh các mối quan hệ giữa các Nhà nước với nhau.
- Mỗi quốc gia dựa trên nền tảng kinh tế, nội dung giai cấp của mình để hình thành một hệ thống pháp luật riêng. Tuy nhiên, các quốc gia không thể tồn tại một cách biệt lập mà cần có mối quan hệ với nhau, gắn kết với nhau nên xuất hiện hệ thống pháp luật quốc tế.
- Pháp luật quốc tế được hình thành, xây dựng dựa trên cơ sở đấu tranh thương lượng, thỏa thuận bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các chủ thể của Luật quốc tế. Các quốc gia độc lập, có chủ quyền liên kết với nhau vì mục đích hợp tác quốc tế đa dạng, đa lĩnh vực và hướng đến lợi ích phát triển của từng quốc gia, cũng như của cộng đồng quốc tế.
2.2 Quốc gia là chủ thể cơ bản của pháp luật quốc tế
- Quốc gia được coi là hạt nhân của toàn bộ hệ thống pháp luật quốc tế. Quan hệ pháp luật quốc tế là những quan hệ phát sinh, tồn tại và phát triển chủ yếu giữa các quốc gia với nhau.
- Luật quốc tế điều chỉnh mối quan hệ đầu tiên và chủ yếu là mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau trong các quan hệ xã hội thuộc sự điều chỉnh của mình.
- Hầu hết các quan hệ pháp luật quốc tế đều có sự tham gia của quốc gia, các quốc gia tự mình xác lập hoặc thông qua khuôn khổ các tổ chức quốc tế do các quốc gia thành lập nên. Do đó, trong quá trình xây dựng luật pháp quốc tế thì trước hết phải xuất phát từ lợi ích của mỗi quốc gia.
2.3 Quốc gia là chủ thể chủ yếu xây dựng nên nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế và quy phạm pháp luật quốc tế
- Nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế là những tư tưởng chính trị, pháp lý mang tính chỉ đạo, bao trùm, có giá trị bắt buộc chung (Jus Cogens) đối với mọi chủ thể Luật quốc tế.
- Quy phạm quốc tế là quy tắc xử sự, được tạo bởi sự thỏa thuận của các chủ thể Luật quốc tế và có giá trị ràng buộc các chủ thể đó đối với các quyền, nghĩa vụ hay trách nhiệm pháp lý quốc tế khi tham gia quan hệ pháp luật quốc tế.
- Sự hình thành các nguyên tắc và quy phạm pháp luật, cũng như nội dung của chúng hoàn toàn phụ thuộc vào sự thương lượng giữa các quốc gia với nhau. Quốc gia chi phối và thể hiện nội dung của Luật quốc tế.
- Việc xây dựng những nguyên tắc hay quy phạm pháp luật của Luật quốc tế do các quốc gia thỏa thuận với nhau dưới hình thức ký kết các điều ước quốc tế hoặc cùng nhau thừa nhận các tập quán quốc tế.
Trên đây là nội dung về vai trò của quốc gia trong xây dựng pháp luật quốc tế, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Minh Trang
Ngày xuất bản: 24/10/2023