Việt Nam có cho phép kết hôn đồng giới không

Hiện nay có rất nhiều cặp đôi đồng tính yêu nhau và họ có mong muốn được kết hôn với nhau. Vậy pháp luật Việt Nam có cho phép kết hôn đồng giới không? Trong phạm vi bài viết này, công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên theo quy định của pháp luật.

1.Cơ sở pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình 2014

2.Kết hôn đồng giới là gì?

      Kết hôn đồng giới là một thuật ngữ dùng để chỉ hôn nhân giữa hai người cùng giới tính, tức là giữa hai người giống nhau về giới tính trên giấy khai sinh và giấy tờ tùy thân (nam kết hôn với nam, hoặc nữ kết hôn với nữ).

3.Việt Nam có cho phép kết hôn đồng giới

       Trước đây pháp luật Việt Nam cấm kết hôn đồng giới và điều này được quy định tại điều 10 luật hôn nhân và gia đình 2000. Do đó nếu ai có hành vi kết hôn đồng giới  sẽ bị xử phạt theo điểm e khoản 1 Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP (đã hết hiệu lực), việc kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 500.000 đồng.

       Tuy nhiên, khi Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 được thông qua, quy định về việc kết hôn giữa những người có cùng giới tính được nêu tại khoản 2 Điều 8 Luật này như sau:“Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

        Như vậy hiện nay, Nhà nước không còn cấm những người có cùng giới tính kết hôn mà chỉ “không thừa nhận” mối quan hệ hôn nhân này. Đồng nghĩa, những người đồng tính có thể tổ chức đám cưới, sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không được thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

       Do việc kết hôn đồng tính không được pháp luật thừa nhận nên khi họ kết hôn với nhau sẽ không phát sinh các quyền và nghĩa vụ vợ chồng được pháp luật về hôn nhân gia đình quy định. 

– Về nhân thân: Giữa hai người đồng tính không có ràng buộc về mặt pháp lý, không được cấp đăng ký kết hôn, không được công nhận là vợ, chồng hợp pháp. Bởi vậy, con cái, cấp dưỡng, quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng… không tồn tại;

– Về quan hệ tài sản: sẽ không áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng được quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu phát sinh tranh chấp, tài sản không được chia theo nguyên tắc chung về tài sản chung vợ, chồng.

4.Có được kết hôn với người chuyển giới?

Theo Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và Luật khác có liên quan.”

Căn cứ quy định này, sau khi chuyển đổi giới tính, cá nhân phải đăng ký thay đổi hộ tịch. Sau đó, người này sẽ có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Một trong số các quyền nhân thân là quyền đăng ký kết hôn.

Như vậy, sau khi chuyển giới, đăng ký thay đổi hộ tịch thì người chuyển giới được quyền đăng ký kết hôn với người khác giới tính đã chuyển và quan hệ hôn nhân này sẽ được pháp luật công nhận.

5.Những quốc gia trên thế giới cho phép kết hôn đồng giới

       Tính đến năm 2019, có 28 quốc gia/vùng lãnh thổ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới, bao gồm: Áo Argentina, Bỉ, Bồ Đào Nha, Brazil, Canada, Colombia, Đan Mạch, Đài Loan, Đức, Ecuador, Hà Lan, Hoa Kỳ, Iceland, Ireland, Luxembourg, Malta, México (chỉ một số bang), Na Uy, Nam Phi, New Zealand (trừ Niue, Tokelau và Quần đảo Cook), Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Úc, Uruguay, Vương quốc Anh (trừ Bắc Ireland).

        Tuy nhiên hiện tại vẫn có hơn 80 quốc gia/vùng lãnh thổ coi hành vi đồng tính luyến ái là tội phạm, một số còn áp dụng hình phạt tử hình đối với những người có hành vi đồng tính luyến ái. Số quốc gia/vùng lãnh thổ còn lại có chính sách không coi đồng tính luyến ái là bất hợp pháp nhưng cũng không công nhận hôn nhân đồng tính.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề kết hôn đồng giới tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *