Thế nào là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội?

Điều 16 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này

Cho nên, hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được hiểu là việc mà người thực hiện hành vi phạm tội đã kiềm chế, tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng mà chủ thể đang thực hiện khi biết rằng không có gì ngăn cản chủ thể thực hiện tội phạm. Theo đó, có thể thấy, để xác định một người có hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội cần dựa trên các điều kiện sau đây:

  • Tội phạm được thực hiện đang ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Trong đó, giai đoạn chuẩn bị phạm tội là trường hợp mà người phạm tội mới có các hành vi chuẩn bị như tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện phạm tội hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm, nhưng chưa có hành vi xâm hại đến khách thể được Luật hình sự bảo vệ và chưa gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Còn giai đoạn phạm tội chưa đạt được hiểu là người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi khách quan được quy định trong cấu thành tội phạm nên hậu quả của tội phạm chưa xảy ra cho xã hội. 

Theo đó, điều kiện này đòi hỏi người phạm tội đang còn điều kiện thực hiện tội phạm như công cụ, phương tiện phạm tội mà người phạm tội không bị phát hiện hoặc điều kiện thuận lợi khác để thực hiện tội phạm trót lọt. Như vậy, sự chấm dứt việc phạm tội phải xảy ra trong quá trình mà người đó đã có hành vi chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tội phạm hoặc đã bắt đầu thực hiện hành vi thực hiện ý định phạm tội nhưng chưa thực hiện được tội phạm đến cùng, nghĩa là hành vi mà người đó thực hiện chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu của một tội phạm cụ thể mà người đó định phạm, hành vi chấm dứt việc phạm tội phải xảy ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, chưa hoàn thành. Do vậy hậu quả của tội phạm chưa xảy ra cho xã hội.

  • Người phạm tội phải tự ý chấm dứt việc tiếp tục thực hiện tội phạm một cách tự nguyện và dứt khoát.

Thứ nhất, sự tự nguyện trong tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được hiểu là người phạm tội tự mình từ bỏ ý định phạm tội và chấm dứt việc thực hiện hành vi phạm tội hoàn toàn theo ý chí của người phạm tội mặc dù không có gì ngăn cản. Còn đối với các trường hợp mà người phạm tội không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội do các nguyên  nhân khách quan gây nên như: đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện, đối tượng tác động của tội phạm được bảo vệ cẩn thận,… thì việc dừng lại đó không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Thứ hai, sự dứt khoát trong tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thể hiện ý chí của người có hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, phải từ bỏ hẳn ý định phạm tội một cách triệt không phải dừng lại tạm thời, chốc lát, chờ cơ hội khác thuận lợi hơn để tiếp tục phạm tội. Tức là cho dù hành vi phạm tội chưa bị phát hiện và người phạm còn điều kiện, thời cơ tiếp tục thực hiện tội phạm đến cùng nhưng người phạm tội phải dứt khoát chấm dứt không tiếp tục thực hiện tội phạm.

Tuy nhiên không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đối với trường hợp một người đã thực hiện những hành vi mà người đó cho là cần thiết để thực hiện tội phạm, để gây ra hậu quả tội phạm, nhưng hậu quả tội phạm chưa xảy ra hay tội phạm chưa hoàn thành mà do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của người đó, thì sau đó mặc dù người ấy lại nhận thức được là sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nếu tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội nhưng đã không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa. Bởi hành vi đó đã xảy ra hoàn thành, nguyên nhân hậu quả chưa đạt do yếu tố khách quan ngoài ý muốn của người đó.

Ví dụ: A chạy xe máy giật dây chuyền của B, nhưng chưa giật được. Sau đó mặc dù A có thể quay lại để giật nhưng A đã tự mình từ bỏ ý định, không tiếp tục thực hiện hành vi giật dây chuyền của B nữa. Trường hợp này không được coi là trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Một số trường hợp người đó đã thực hiện được các hành vi cần thiết để thực hiện tội phạm, tuy nhiên hậu quả giữa hành vi mà người đó thực hiện và hậu quả gây thiệt hại cho xã hội cần một khoảng thời gian nhất định. Nếu trong thời gian xảy ra hậu quả thiệt hại đó mà người thực hiện hành vi tự nguyện, chủ động, tích cực ngăn chặn, không để xảy ra hậu quả và tội phạm không hoàn thành được thì cũng được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Bài viết trên đây đã phân tích ngắn gọn thế nào là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Ms. Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *