Các hình phạt đối với người phạm tội hình sự

Tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm nhất định cho xã hội thì người phạm tội hình sự sẽ phải chịu những hình phạt phù hợp. Pháp luật hình sự Việt Nam đã quy định các hình phạt mà người phạm tội sẽ phải chịu. Vậy những hình phạt đó là gì? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về các hình phạt đối với người phạm tội theo quy định của bộ luật hình sự 2015.

I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật hình sự 2015

II. Khái niệm hình phạt

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.

III. Mục đích của hình phạt

Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

IV. Các hình phạt đối với người phạm tội.

1. Cảnh cáo

Cảnh cáo là sự khiển trách công khai của nhà nước đối với người phạm tội về tội phạm mà họ đã thực hiện.

Đây là hình phạt nhẹ nhất trong các hình phạt. Đây là hình phạt thể hiện sự lên án công khai của nhà nước đối với người phạm tội. Cảnh cáo không làm thiệt hại về vật chất cung như hạn chế nhất định về thể chất của người phạm tội. Tuy nhiên sự khiển trách công khai này cũng một phần nào đó giáo dục người phạm tội.

2. Phạt tiền

Phạt tiền là hình phạt buộc người phạm tội phải nộp một khoản tiền nhất định vào ngân sách nhà nước.

Phạt tiền có tính răn đe, giáo dục đối với người phạm tội cũng như người khác từ đó phòng ngừa hành vi phạm tội. Bởi phạt tiền sẽ tác động đến tài sản của người phạm tội. 

Phạt tiền có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung.

Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng như là tội sử dụng trái phép tài sản, tội tổ chức tảo hôn…

Phạt tiền là hình phạt bổ sung được áp dụng đối với các tội về tham nhũng, ma túy hoặc một số tội khác như là: các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội về chức vụ….

Tùy vào từng tội mà mức phạt tiền sẽ khác nhau nhưng sẽ không được thấp hơn 1 triệu đồng.

3. Cải tạo không giam giữ

Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính, buộc người phạm tội phải cải tạo, giáo dục tại nơi làm việc, học tập, cư trú dưới sự giám sát của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập, hoặc của chính quyền địa phương, nơi họ cư chú.

Đây là hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn nhưng nặng hơn phạt tiền và phạt cảnh cáo. Cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, có nơi làm việc ổn định hoặc nơi cư trú rõ ràng, và thấy cần thiết không phải cách ly khỏi xã hội.

Thời hạn của hình phạt cải tạo không giam giữ là từ 06 tháng đến 03 năm.

Người bị kết án trong thời gian chấp hành hình phạt này phải thực hiện một số nghĩa vụ theo quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ hàng tháng một phần thu nhập từ 05%-20% để sung quỹ nhà nước. Tòa án có thể miến nghĩa vụ này trong trường hợp có lý do đặc biệt. Nếu người đó đang thực hiện nghĩa vụ quân sự thì sẽ không bị khấu trừ thu nhập.

Nếu người bị kết án không có việc làm hoặc bị mất việc làm thì phải lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong một tuần trừ đối tượng là phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người bị khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng.

4. Trục xuất

Trục xuất là hình phạt buộc người nước ngoài bị kết án trong thời hạn nhất định phải rời khỏi lãnh thổ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đây là hình phạt bổ sung tùy theo trường hợp được tòa áp dụng.

5. Tù có thời hạn

Tù có thời hạn là hình phạt chính, buộc người phạm tội phải cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định để giáo dục, cải tạo.

Tù có thời hạn sẽ hạn chế sự tự do của người bị kết án. Tù có thời hạn có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm. Trong trường hợp phạm nhiều tội thì mức phạt tối đa sẽ là 30 năm.

Hình phạt này không áp dụng đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng.

6. Tù chung thân

Tù chung thân là hình phạt chính thức, buộc người phạm tội phải cách ly khỏi xã hội suốt đời để cải tạo, giáo dục.

Tù chung thân áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức phải xử phạt tử hình. Hình phạt này sẽ không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội điều này xuất phát từ nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội của luật hình sự Việt Nam.

Nếu người phạm tội cải tạo tốt thì có thể được giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

7. Tử hình

Tử hình là hình phạt chính, tước bỏ quyền sống của người bị kết án.

Đây là hình phạt nghiêm khắc nhất trong tất cả các hình phạt.

Tử hình chỉ áp dụng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội. Tử hình được áp dụng đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng như là xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội khác: các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm chiến tranh, tội khủng bố…

Sẽ không áp dụng tử hình đối với các đối tượng sau:

– Người phạm tội là người dưới 18 tuổi khi phạm tội;

– Người phạm tội là phụ nữ có thai khi phạm tội; 

– Người phạm tội là phụ nữ có thai khi xét xử;

– Người phạm tội là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội;

– Người phạm tội là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi xét xử;

– Người phạm tội là người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội; 

– Người phạm tội là người đủ 75 tuổi trở lên khi xét xử;

Quy định này xuất phát từ chính sách nhân đạo của nhà nước.

Người bị kết án tử hình nếu thuộc trong 4 loại đối tượng sau thì hình phạt tử hình không được thi hành:

– Người bị kết án là phụ nữ có thai;

– Người bị kết án là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

– Người bị kết án là người đủ 75 tuổi trở lên; 

– Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra.

Trong trường hợp không thi hành án tử hình thì hình phạt tử hình được ân giảm thành tù chung thân. Người bị kết án tử hình có quyền xin chủ tịch nước ân giảm án, trong trường hợp được ân giảm thì hình phạt tử hình sẽ được chuyển thành chung thân.

8. Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định

Đây là hình phạt bổ sung, buộc người phạm tội không được giữ chức vụ, không được hành nghề hoặc thực hiện công việc nhất định.

Đây là hình phạt áp dụng đối với các tội phạm có sự lợi dụng chức vụ, nghề nghiệp hoặc công việc nhất định và các tội thiếu trách nhiệm nghiêm trọng khi thực hiện công vụ hoặc do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc hành chính.

Hình phạt này có thể kéo dài từ 01 đến 05 năm tính từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ  hoặc trong trường hợp bị kết án nhưng được hưởng án treo.

9. Cấm cư trú

Cấm cư trú là hình phạt bổ sung, buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú và thường trú ở một số địa phương nhất định.

Địa phương có thể bị cấm cư trú là: thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung, khu vực biên giới, bờ biển, khu vực có những cơ sở quốc phòng…

Thời hạn cấm cư trú là từ 01 đến 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

10. Quản chế

Quản chế là hình phạt bổ sung, buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn, sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Người bị áp dụng hình phạt này bị tước đi một số quyền nhất định như là: quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước; quyền làm việc trong cơ quan nhà nước; quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân) và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Hình phạt này áp dụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trường hợp khác do luật định.

Thời hạn quản chế là từ 01 đến 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

11. Tước một số quyền công dân

Tước một số quyền công dân là hình phạt bổ sung, buộc người bị kết án phạt tù không được ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước, không được làm việc trong cơ quan nhà nước, không được phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Hình phạt này được áp dụng đối với các tội phạm xâm phạm đến an ninh quốc gia hoặc tôi khác được BLHS quy định.

Thời hạn là từ 01 đến 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người kết án được hưởng án treo.

12. Tịch thu tài sản

Tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung, tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội để nộp vào ngân sách nhà nước.

Hình phạt này áp dụng đối với các tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến an ninh quốc gia, ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do BLHS quy định.

Trên đây là những giải đáp về các hình phạt đối với người phạm tội hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 18/01/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *