Xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo được hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; có trách nhiệm mà cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, trả thù người khiếu nại, tố cáo.
Mục lục
I. Quy định pháp luật
Điều 166 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:
“1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a)Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo;
b)Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a)Có tổ chức;
b)Trả thù người khiếu nại, tố cáo;
c)Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
d)Dẫn đến biểu tình;
đ)Làm người khiếu nại, tố cáo tự sát.
3.Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
II. Cấu thành tội phạm tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo
1. Mặt khách quan
Người phạm tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo là sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gây khó khăn cho việc khiếu nại, tố cáo như: Mua chuộc, hăm doạ người khiếu nại, tố cáo để họ không thực hiện việc khiếu nại, tố cáo hoặc rút đơn khiếu nại tố cáo…
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo là sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gây khó khăn cho việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo như: Tiêu huỷ đơn khiếu nại, tố cáo; không thụ lý giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; không chuyển đơn khiếu nại, tố cáo đến người có trách nhiệm giải quyết…
Không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo là hành vi của người có trách nhiệm mà cố ý không thực hiện việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo khi đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền
Trả thù người khiếu nại, tố cáo là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn hoặc của người khác vì bị khiếu nại, tố cáo hoặc tuy không bị khiếu nại tố cáo nhưng có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo hoặc có liên quan đến người bị khiếu nại, tố cáo đã có hành vi gây thiệt hại (làm hại) cho người đã khiếu nại, tố cáo mình hoặc người mà mình quan tâm
Hậu quả của tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo
Hậu quả của tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo là những thiệt hại vật chất hoặc tinh thần do hành vi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo gây ra cho cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức. Những thiệt hại này có thể tính ra bằng tiền, nhưng cũng có thể không tính ra được bằng tiền, do đó, nếu những thiệt hại không thể tính được bằng một số tiền thì phải đánh giá một cách toàn diện để xác định hành vi xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo đã gay ra hậu quả như thế nào cho xã hội.
2. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đối với tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, vì tội phạm này khoản 1 là tội phạm ít nghiêm trọng còn khoản 2 là tội phạm nghiêm trọng.
Ngoài ra, chủ thể tội phạm thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 của điều luật là chủ thể đặc biệt chỉ những người có chức vụ, quyền hạn nhất định mới có thể lợi dụng chức vụ quyền hạn để cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.
3. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội xâm phạm này là quyền khiếu nại, tố cáo công dân được pháp được pháp luật bảo vệ.
4. Mặt chủ quan
Người phạm tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo thực hiện hành vi của mình do lỗi cố ý, với nhiều động cơ, mục đích khác nhau như: vì lợi ích vật chất, vì danh vọng, địa vị xã hội… Nếu do thiếu trách nhiệm hoặc do không hiểu biết mà xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo.
Bài viết trên đây đã nói ngắn gọn quy định về tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên viên: Ms. Thương
Ngày xuất bản: 02/11/2023