Ngôn ngữ và đồng tiền sử dụng trong hoạt động đấu thầu cũng là một trong những yếu tố mà các nhà thầu cần quan tâm trong quá trình hoạt động đấu thầu. Vậy ngôn ngữ và đồng tiền dự thầu được quy định như thế nào theo pháp luật hiện hành? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.
CƠ SỞ PHÁP LÝ:
– Luật Đấu thầu năm 2013
– Thông tư 06/2020/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định về lựa chọn nhà đầu tư.
1. Ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu
Theo Điều 9 Luật Đấu thầu năm 2013, ngôn ngữ được sử dụng trong đấu thầu là tiếng Việt đối với đầu thầu trong nước và là tiếng Anh đối với đấu thầu quốc tế.
Ngoài ra theo Phụ lục I Thông tư 06/2020/TT-BKHĐT, ngôn ngữ của hồ sơ dự sơ tuyển cũng được quy định rõ ràng như sau:
Thứ nhất, đối với sơ tuyển quốc tế:
Hồ sơ dự sơ tuyển (HSDST) cũng như tất cả các thư từ và tài liệu liên quan đến HSDST trao đổi giữa nhà đầu tư với bên mời thầu được viết bằng: ____ (Trường hợp hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST) được viết bằng tiếng Anh thì ghi “tiếng Anh”; HSMST được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt thì ghi “Nhà đầu tư có thể lựa chọn tiếng Anh hoặc tiếng Việt để lập HSDST căn cứ vào nội dung của bản HSMST bằng tiếng Anh).
Các tài liệu và tư liệu bổ trợ trong HSDST có thể được viết bằng ngôn ngữ khác đồng thời kèm theo bản dịch sang ______ (Trường hợp HSMST được viết bằng tiếng Anh thì ghi “tiếng Anh”; HSMST được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt thì ghi “ngôn ngữ mà nhà đầu tư lựa chọn để lập HSDST”). Trường hợp thiếu bản dịch, nếu cần thiết, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà đầu tư gửi bổ sung.
Thứ hai, đối với sơ tuyển trong nước:
HSDST cũng như tất cả các thư từ và tài liệu liên quan đến HSDST trao đổi giữa nhà đầu tư với bên mời thầu được viết bằng tiếng Việt.
Các tài liệu và tư liệu bổ trợ trong HSDST có thể được viết bằng ngôn ngữ khác đồng thời kèm theo bản dịch sang tiếng Việt. Trường hợp thiếu bản dịch, nếu cần thiết, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà đầu tư gửi bổ sung.
2. Đồng tiền dự thầu
Căn cứ theo Điều 10 Luật Đấu thầu năm 2013, đồng tiền dự thầu có thể là:
– Đối với đấu thầu trong nước, nhà thầu chỉ được chào thầu bằng đồng Việt Nam.
– Đối với đấu thầu quốc tế:
Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định về đồng tiền dự thầu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhưng không quá ba đồng tiền; đối với một hạng mục công việc cụ thể thì chỉ được chào thầu bằng một đồng tiền;
Trường hợp hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu quy định nhà thầu được chào thầu bằng hai hoặc ba đồng tiền thì khi đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất phải quy đổi về một đồng tiền; trường hợp trong số các đồng tiền đó có đồng Việt Nam thì phải quy đổi về đồng Việt Nam. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định về đồng tiền quy đổi, thời điểm và căn cứ xác định tỷ giá quy đổi
Đối với chi phí trong nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu phải chào thầu bằng đồng Việt Nam;
Đối với chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu được chào thầu bằng đồng tiền nước ngoài.
Bên cạnh đó, Thông tư 06/2020/TT-BKHĐT cũng hướng dẫn sử dụng đồng tiền dự thầu quốc tế như sau:
Đồng tiền dự thầu là: ____
(Căn cứ theo yêu cầu của dự án mà quy định việc cho phép và điều kiện áp dụng để nhà đầu tư chào theo một hoặc một số đồng tiền khác nhau nhưng không quá ba đồng tiền, ví dụ: VND, USD, EUR. Trường hợp trong số các đồng tiền đó có VND thì phải quy đổi về VND. Trường hợp cho phép chào bằng ngoại tệ thì phải yêu cầu nhà đầu tư chứng minh được nội dung công việc sử dụng ngoại tệ và sơ bộ giá trị ngoại tệ tương ứng; các loại chi phí trong nước phải được chào bằng VND, các chi phí nước ngoài liên quan đến dự án thì được chào bằng đồng tiền nước ngoài).
Trường hợp quy định hai hoặc ba đồng tiền thì bổ sung thêm các nội dung sau:
– Đồng tiền được sử dụng để quy đổi tất cả các giá trị từ nhiều loại tiền khác nhau thành một loại tiền duy nhất (đồng tiền quy đổi) nhằm phục vụ việc đánh giá và so sánh HSDT là: ____ (ghi tên đồng tiền, trường hợp trong số đồng tiền có VND thì phải quy đổi theo VND] theo tỷ giá bán ra của một ngân hàng thương mại ____ (ghi tên ngân hàng thương mại có uy tín và căn cứ vào tỷ giá do ngân hàng đó công bố để quy đổi) công bố vào ngày ____ (ghi cụ thể ngày, tháng, năm)
– Đồng tiền trung gian: ____ (ghi tên đồng tiền trung gian để quy đổi từ các loại đồng tiền về đồng tiền quy đổi trong trường hợp không có tỷ giá trực tiếp giữa các loại đồng tiền này và đồng tiền quy đổi. Trong trường hợp này, cần quy định thêm về công thức xác định tỷ giá quy đổi thông qua đồng tiền trung gian (tỷ giá bán ra, mua vào, tại thời điểm ____).
Trên đây là những điều cần lưu ý về ngôn ngữ và đồng tiền dự thầu trong quá trình hoạt động đấu thầu. Mọi thắc mắc và nhu cầu tư vấn quý độc giả xin vui lòng liên hệ về:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên viên: Thảo Ly
Ngày xuất bản: 04/11/2023