PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU, HỒ SƠ ĐỀ XUẤT

Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất một cách rõ ràng, chặt chẽ và đúng quy trình là một yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Vậy pháp luật quy định như thế nào về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất? Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

CƠ SỞ PHÁP LÝ: Luật Đấu thầu năm 2013

I. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp

Theo Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2013 thì việc đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp được thực hiện thông qua các phương pháp sau đây: phương pháp giá thấp nhất, phương pháp giá đánh giá, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá.

1. Phương pháp giá thấp nhất

Gói thầu áp dụng: Gói thầu đơn giản, quy mô nhỏ trong đó các đề xuất về kỹ thuật, tài chính, thương mại được coi là cùng một mặt bằng khi đáp ứng các yêu cầu ghi trong hồ sơ mời thầu.

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm: tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí của gói thầu.

Đối với các hồ sơ dự thầu đã được đánh giá đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá nêu trên thì căn cứ vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch để so sánh, xếp hạng.

Các nhà thầu được xếp hạng tương ứng theo giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có). Nhà thầu có giá thấp nhất được xếp thứ nhất.

2. Phương pháp giá đánh giá

Gói thầu áp dụng: Phương pháp này áp dụng đối với gói thầu mà các chi phí quy đổi được trên cùng một mặt bằng về các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thương mại cho cả vòng đời sử dụng của hàng hóa, công trình.

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm:

–  Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong trường hợp không áp dụng sơ tuyển.

– Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; tiêu chuẩn xác định giá đánh giá.

Các yếu tố được quy đổi trên cùng một mặt bằng để xác định giá đánh giá bao gồm:
– Chi phí cần thiết để vận hành, bảo dưỡng;

– Các chi phí khác liên quan đến xuất xứ của hàng hóa, lãi vay, tiến độ, chất lượng của hàng hóa hoặc công trình xây dựng thuộc gói thầu, uy tín của nhà thầu thông qua tiến độ và chất lượng thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó;

– Các yếu tố khác.

Đối với các hồ sơ dự thầu đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật thì căn cứ vào giá đánh giá để so sánh, xếp hạng. Nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất được xếp thứ nhất.

3. Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá

Gói thầu áp dụng: Gói thầu công nghệ thông tin, viễn thông hoặc gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp khi không áp dụng được phương pháp giá thấp nhất và phương pháp giá đánh giá.

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu bao gồm:

– Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong trường hợp không áp dụng sơ tuyển;

– Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật;

– Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp (Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa kỹ thuật và giá).

Đối với các hồ sơ dự thầu đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật thì căn cứ vào điểm tổng hợp để so sánh, xếp hạng tương ứng. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất được xếp thứ nhất.

Lưu ý:

– Đối với tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, sử dụng tiêu chí đạt, không đạt.

– Đối với tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, sử dụng phương pháp chấm điểm hoặc tiêu chí đạt, không đạt.

– Đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá sử dụng phương pháp chấm điểm. Khi sử dụng phương pháp chấm điểm, phải quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật không thấp hơn 70% tổng số điểm về kỹ thuật.

II. Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn

Căn cứ quy định tại Điều 40 Luật Đầu thầu 2013 thì việc đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được thực hiện thông qua các phương pháp sau đây: phương pháp giá thấp nhất, phương pháp giá cố định, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, phương pháp dựa trên kỹ thuật.

1. Đối với nhà thầu là tổ chức

Đối với nhà thầu tư vấn là tổ chức thì áp dụng một trong các phương pháp sau đây.

1.1 Phương pháp giá thấp nhất

Gói thầu áp dụng: Các gói thầu tư vấn đơn giản.

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu là tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật.

Đối với các hồ sơ dự thầu đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật thì căn cứ vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có). Nhà thầu có giá thấp nhất được xếp thứ nhất.

1.2 Phương pháp giá cố định

Gói thầu áp dụng: Các gói thầu tư vấn đơn giản, chi phí thực hiện gói thầu được xác định cụ thể và cố định trong hồ sơ mời thầu.

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu là tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật.

Đối với các hồ sơ dự thầu đã vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) không vượt chi phí thực hiện gói thầu thì căn cứ điểm kỹ thuật để so sánh, xếp hạng. Nhà thầu có điểm kỹ thuật cao nhất được xếp thứ nhất.

1.3 Phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá

Gói thầu áp dụng: Gói thầu tư vấn chú trọng tới cả chất lượng và chi phí thực hiện gói thầu.

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu là tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật và tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp. Tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa kỹ thuật và giá.

Khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp phải bảo đảm nguyên tắc tỷ trọng điểm về kỹ thuật từ 70% đến 80%, điểm về giá từ 20% đến 30% tổng số điểm của thang điểm tổng hợp, tỷ trọng điểm về kỹ thuật cộng với tỷ trọng điểm về giá bằng 100%.

Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất được xếp thứ nhất.

1.4 Phương pháp dựa trên kỹ thuật

Gói thầu áp dụng: Gói thầu tư vấn có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc thù.

Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu là tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật. Khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật phải quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu không thấp hơn 80% tổng số điểm về kỹ thuật.

Nhà thầu có hồ sơ dự thầu đáp ứng điểm kỹ thuật tối thiểu theo quy định và đạt điểm kỹ thuật cao nhất được xếp thứ nhất và được mời đến mở hồ sơ đề xuất tài chính làm cơ sở để thương thảo hợp đồng.

2. Đối với nhà thầu là cá nhân

Đối với nhà thầu tư vấn là cá nhân, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu là tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ lý lịch khoa học, đề xuất kỹ thuật (nếu có).

Nhà thầu có hồ sơ lý lịch khoa học, đề xuất kỹ thuật tốt nhất và đáp ứng yêu cầu của điều khoản tham chiếu được xếp thứ nhất.

III. Phương pháp đánh giá hồ sơ đề xuất

Theo Điều 41 Luật Đấu thầu năm 2013, phương pháp đánh giá hồ sơ đề xuất trong chào hàng cạnh tranh thực hiện theo phương pháp giá thấp nhất.

Trên đây là quy định pháp luật về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Mọi thắc mắc và nhu cầu tư vấn quý độc giả vui lòng liên hệ về:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 06/11/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *