KẾ HOẠCH LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ THEO QUY ĐỊNH

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Vậy pháp luật quy định như thế nào về kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực đấu thầu? Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

– Luật Đấu thầu năm 2013

– Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư

– Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

I. Căn cứ và nội dung lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư

Kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư được quy định tại Điều 55 Luật Đấu thầu năm 2013

1. Căn cứ để lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư

Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành bao gồm:

– Quyết định phê duyệt dự án;

– Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đối với các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi;

– Các văn bản khác có liên quan.

Theo Điều 24 Nghị định 25/2020/NĐ-CP thì căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phân thành căn cứ đối với 2 hình thức dự án là:

– Dự án PPP (Public – Private Partnership – Đầu tư theo phương thức đối tác công tư);

Dự án đầu tư có sử dụng đất.

1.1 Đối với dự án PPP

Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án PPP được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định 25/2020/NĐ-CP tuy nhiên điểm này đã bị bãi bỏ bởi Khoản 32 Điều 89 Nghị định 35/2021/NĐ-CP, vì vậy căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP hiện nay đã không còn hiệu lực và không được áp dụng.

1.2 Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất

Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, theo điểm b khoản 1 Điều 24 Nghị định 25/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 89 Nghị định 35/2021/NĐ-CP thì căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư được quy định bao gồm:

– Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư) hoặc Quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất (đối với dự không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư);
– Quyết định phê duyệt áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi;
– Các văn bản có liên quan (nếu có).

2. Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư

Theo khoản 2 Điều 55 Nghị định 25/2020/NĐ-CP, về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, cần có đầy đủ các thành phần sau:

– Tên dự án;

– Tổng mức đầu tư và tổng vốn của dự án;

– Sơ bộ vốn góp của Nhà nước, cơ chế tài chính của Nhà nước để hỗ trợ việc thực hiện dự án (nếu có);

– Hình thức và phương thức lựa chọn nhà đầu tư;

– Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;

– Loại hợp đồng;

– Thời gian thực hiện hợp đồng.

3. Hồ sơ trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư

Trên cơ sở các căn cứ đã nêu bên trên, bên mời thầu sẽ lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư trình người có thẩm quyền, đồng thời gửi đơn vị thẩm định.

Quy định về hồ sơ trình duyệt được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 25/2020/NĐ-CP

3.1 Văn bản trình duyệt

Văn bản trình duyệt là một phần không thể thiếu của hồ sơ trình duyệt, trong đó nêu tóm tắt về quá trình thực hiện và các nội dung kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, cụ thể bao gồm:

– Tên dự án
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự kiến đối với dự án đầu tư có sử dụng đất theo khoản 2 Điều 25 Nghị định 25/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi khoản 8 Điều 89 Nghị định 35/2021/NĐ-CP.

– Hình thức và phương thức lựa chọn nhà đầu tư

Theo điểm a khoản 4 Điều 25 Nghị định 25/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 8 Điều 89 Nghị định 35/2021/NĐ-CP thì hình thức lựa chọn nhà đầu tư cần được xác định rõ theo quy định tại các Điều 20, 22 và 26 Luật Đấu thầu năm 2013 và Điều 10 Nghị định 25/2020/NĐ-CP.

Đồng thời bên mời thầu phải xác định rõ phương thức lựa chọn nhà đầu tư là một giai đoạn một túi hồ sơ hoặc một giai đoạn hai túi hồ sơ theo quy định tại Điều 28 hoặc Điều 29 của Luật Đấu thầu năm 2013.

– Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư

Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư được tính từ khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, được ghi rõ theo tháng hoặc quý trong năm.

– Loại hợp đồng

Đối với dự án PPP, xác định rõ loại hợp đồng theo quy định tại Điều 68 của Luật Đấu thầu và pháp luật về đầu tư PPP. Tuy nhiên điểm này đã bị bãi bỏ theo khoản 2 Điều 89 Nghị định 35/2021/NĐ-CP và hiện nay không còn hiệu lực áp dụng.

Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, xác định rõ loại hợp đồng là hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất.

– Thời gian thực hiện hợp đồng

Thời gian thực hiện hợp đồng là số năm hoặc tháng tính từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng.

3.2 Bảng theo dõi tiến độ hoạt động

Bảng theo dõi tiến độ các hoạt động trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 10 Điều 6 Nghị định 25/2020/NĐ-CP. Cụ thể đối với các thời hạn khác trong quá trình đấu thầu, người có thẩm quyền quyết định theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng các hoạt động trong lựa chọn nhà đầu tư.

3.3 Các tài liệu khác có liên quan

Ngoài ra hồ sơ trình duyệt còn phải có các tài liệu kèm theo khác, trong đó bao gồm các bản chụp làm căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư quy định kể trên.

II. Thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư

Vấn đề thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư được quy định cụ thể tại Điều 26 Nghị định 25/2020/NĐ-CP

Theo đó, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư là việc tiến hành thẩm tra, đánh giá các nội dung đã nêu tại mục 3.1 phần I bài viết trên.

Đơn vị được giao thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư lập báo cáo thẩm định trình người có thẩm quyền phê duyệt.

Căn cứ báo cáo thẩm định, người có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư và bảng theo dõi tiến độ các hoạt động trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư để làm cơ sở tiến hành lựa chọn nhà đầu tư.

Trên đây là các quy định pháp luật có liên quan về việc lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư trong pháp luật đấu thầu. Mọi thắc mắc và nhu cầu tư vấn quý độc giả vui lòng liên hệ về:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Ngày xuất bản: 06/11/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *