Hợp tác xã là một loại hình tổ chức kinh tế tập thể nhưng không hoạt động với vai trò chủ yếu là phát triển kinh tế mà là tạo công ăn việc làm cho người lao động góp phần ổn định chính trị-xã hội. Do vậy mà mô hình hợp tác xã càng trở nên được ưu tiên khuyến khích phát triển ở Việt Nam và mang một số đặc điểm riêng biệt. Sau đây Công ty Luật TNHH Winlegal sẽ giúp các bạn tìm hiểu về mô hình tổ chức của Hợp tác xã.
Mục lục
1. KHÁI NIỆM HỢP TÁC XÃ
Hợp tác xã là một mô hình tổ chức kinh tế phổ biến từ lâu và được khuyến khích phát triển ở Việt Nam, tồn tại song hành cùng với các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam. Về khái niệm hợp tác xã được nêu như sau: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.”( Theo khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012)
Việc thành lập hợp tác xã cũng giống với việc thành lập công ty, đều phải đăng ký tại Cơ quan có thẩm quyền. Mô hình tổ chức của hợp tác xã bao gồm:
- Đại hội thành viên.
- Hội đồng quản trị.
- Giám đốc (hoặc tổng giám đốc)
- Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên
2. MÔ HÌNH CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HỢP TÁC XÃ
2.1 Đại hội thành viên
Đại hội thành viên có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đại hội thành viên gồm đại hội thành viên thường niên và đại hội thành viên bất thường. Đại hội thành viên được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu (sau đây gọi chung là đại hội thành viên). Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có 100 thành viên, hợp tác xã thành viên trở lên có thể tổ chức đại hội đại biểu thành viên.
Số lượng đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên do điều lệ quy định nhưng phải bảo đảm:
a) Không được ít hơn 30% tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có từ trên 100 đến 300 thành viên, hợp tác xã thành viên;
b) Không được ít hơn 20% tổng số thành viên, hợp tác xã thành viên đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có từ trên 300 đến 1000 thành viên, hợp tác xã thành viên;
c) Không được ít hơn 200 đại biểu đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có trên 1000 thành viên, hợp tác xã thành viên.
Đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên phải thể hiện được ý kiến, nguyện vọng và có trách nhiệm thông tin về kết quả đại hội cho tất cả thành viên, hợp tác xã thành viên mà mình đại diện.Quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên hợp tác xã được quy định tại Điều 32 Luật Hợp tác xã 2012 và Điều lệ của Hợp tác xã.
2.2 Hội đồng quản trị Hợp tác xã
Hội đồng quản trị hợp tác xã là cơ quan quản lý hợp tác xã do hội nghị thành lập hoặc đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín. Hội đồng quản trị gồm chủ tịch và thành viên, số lượng thành viên hội đồng quản trị do điều lệ quy định nhưng tối thiểu là 03 người, tối đa là 15 người.
Nhiệm kỳ: Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị hợp tác xã do điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy định nhưng tối thiểu là 02 năm, tối đa là 05 năm.
Kỳ họp: Hội đồng quản trị hợp tác xã họp định kỳ theo quy định của điều lệ nhưng ít nhất 03 tháng một lần do chủ tịch hội đồng quản trị hoặc thành viên hội đồng quản trị được chủ tịch hội đồng quản trị ủy quyền triệu tập. Hội đồng quản trị họp bất thường khi có yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên hội đồng quản trị hoặc chủ tịch hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã.
Quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng quản trị được quy định tại Điều 36 Luật Hợp tác xã 2012 và Điều lệ của Hợp tác xã.
2.3 Giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã
Giám đốc (tổng giám đốc) là người điều hành hoạt động của hợp tác xã. Giám đốc (tổng giám đốc) có quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:
- Tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã
- Thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên, quyết định của hội đồng quản trị;
- Ký kết hợp đồng nhân danh hợp tác xã theo ủy quyền của chủ tịch hội đồng quản trị;
- Trình hội đồng quản trị báo cáo tài chính hằng năm;
- Xây dựng phương án tổ chức bộ phận giúp việc, đơn vị trực thuộc của hợp tác xã trình hội đồng quản trị quyết định;
- Tuyển dụng lao động theo quyết định của hội đồng quản trị;
- Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác được quy định tại điều lệ, quy chế của hợp tác xã
Trường hợp giám đốc (tổng giám đốc) do hợp tác xã thuê thì ngoài việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ quy định nêu trên còn phải thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ theo hợp đồng lao động và có thể được mời tham gia cuộc họp đại hội thành viên, hội đồng quản trị.
2.4 Ban kiểm soát, kiểm soát viên
Ban kiểm soát, kiểm soát viên hoạt động độc lập, kiểm tra và giám sát hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật và điều lệ. Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số thành viên, đại diện hợp tác xã thành viên theo thể thức bỏ phiếu kín. Số lượng thành viên ban kiểm soát do đại hội thành viên quyết định nhưng không quá 07 người.
Hợp tác xã có từ 30 thành viên trở lên, liên hiệp hợp tác xã có từ 10 hợp tác xã thành viên trở lên phải bầu ban kiểm soát. Đối với hợp tác xã có dưới 30 thành viên, liên hiệp hợp tác xã có dưới 10 hợp tác xã thành viên, việc thành lập ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do điều lệ quy định. Trưởng ban kiểm soát do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số các thành viên ban kiểm soát; nhiệm kỳ của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên theo nhiệm kỳ của hội đồng quản trị.Quyền hạn, nhiệm vụ của Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên được quy định tại khoản 4 Điều 39 Luật Hợp tác xã 2012.
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P.Xuân La, Q.Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên Viên : Thu Luyến