Người giám hộ có được ủy quyền cho người khác thực hiện công việc

Có thể vì nhiều lý do khác nhau mà người giám hộ không thể thực hiện công việc giám hộ của mình trong một số trường hợp. Vậy người giám hộ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện công việc của mình được hay không? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc trên theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật dân sự 2015

II. Giám hộ là gì?

Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.

Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.

Theo quy định trên, những Người sau sẽ cần được giám hộ:

– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

– Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

– Người mất năng lực hành vi dân sự;

 Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.

III. Quy định về người giám hộ

– Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 được làm người giám hộ.

– Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

– Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.

IV. Người giám hộ có được ủy quyền cho người khác thực hiện công việc của mình?

Theo quy định tại Điều 58 Bộ luật Dân sự 2015, người giám hộ chỉ có các quyền như sau:

“Điều 58. Quyền của người giám hộ

1.Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau đây:

a) Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;

b) Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;

c) Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

2.Giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có quyền theo quyết định của Tòa án trong số các quyền quy định tại khoản 1 Điều này.”

Bên cạnh đó để một người có thể trở thành người giám hộ và được thực hiện công việc giám hộ thì cần đáp ứng nhưng quy định sau của pháp luật. Cụ thể

– Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ

Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

+ Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

+ Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

+ Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

– Điều kiện của pháp nhân làm người giám hộ

Pháp nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

+ Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.

+ Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Như vậy người giám hộ không được ủy quyền cho người khác thực hiện công việc giám hộ của mình. 

Điều này là hợp lý bởi người giám hộ sẽ có nghĩa chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức. Do đó người giám hộ phải có trách nhiệm với công việc giám hộ của mình không thể tùy tiện ủy quyền cho người khác. Điều này là đảm bảo quyền lợi của người được giám hộ.

Tuy nhiên, người giám hộ được ủy quyền cho người khác khi đăng ký giám hộ bởi ủy quyền này bản chất là ủy quyền thực hiện thay việc đăng ký giám hộ còn việc giám hộ là nghĩa vụ gắn với quyền nhân thân của cá nhân nên không thể ủy quyền được.

Trên đây là toàn bộ giải đáp về câu hỏi người giám hộ có thể ủy quyền cho người khác thực hiện công việc của mình theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: Ngày 08/03/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *