Hiện trường vụ án có ý nghĩa quan trọng trong việc điều tra để tìm ra sự thật của vụ án. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ tìm hiểu về hiện trường vụ án và ý nghĩa của hiện trường trong điều tra.
Mục lục
I. Hiện trường vụ án là gì?
Hiện trường vụ án là nơi xảy ra, nơi phát hiện các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự.
Hiện trường là một khoảng không gian nhất định, không gian này có thể là nơi xảy ra hoặc nơi phát hiện ra các dấu vết, vật chứng của vụ án hoặc vụ việc có tính hình sự. Nơi phát hiện có thể trùng với nơi xảy ra hoặc không.
II. Cách phân loại hiện trường
1. Căn cứ vào địa điểm xảy ra vụ việc
+ Hiện trường trong nhà: Phạm vi hiện trường được giới hạn trong một không gian khép kín. Được hiểu rộng ra đối với việc bao bọc, che chắn với không gian bên ngoài. Đó là hiện trường được che chắn hay bao bọc xung quanh, có mái che chắn bên trên. Không kể đến chất liệu của vật bao bọc là tường vôi, vải dù hay mái rạ,…
+ Hiện trường ngoài trời: Đó là hiện trường không được che chắn, bao bọc bới bất cứ loại vật liệu nào. Do đó có thể chịu tác động từ không khí, sinh vật,… làm biến đổi, thay đổi điều kiện hiện trường.
+ Hiện trường có sự kết hợp giữa hiện trường trong nhà và ngoài trời
2. Căn cứ vào nội dung và tính chất của việc xảy ra
Các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự xảy ra ở các hiện trường khác nhau có thể có nội dung và tính chất khác nhau. Vì vậy, dựa vào căn cứ này để chia hiện trường thành nhiều loại, phù hợp với nội dung và tính chất của vụ việc đã diễn ra và để lại dấu vết ở đó như: Hiện trường có người chết, hiện trường cướp, hiện trường trộm, hiện trường cháy, nổ, sự cố kỹ thuật …
3. Căn cứ tình trạng của dấu vết, vật chứng
Căn cứ vào tình trạng của dấu vết, vật chứng có thể chia hiện trường thành 2 loại: hiện trường còn nguyên vẹn và hiện trường bị xáo trộn.
+ Hiện trường còn nguyên vẹn (hiểu theo nghĩa tương đối của từ này) là hiện trường mà sau khi các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự đã xảy ra, các dấu vết, vật chứng do nó để lại không bị các yếu tố khác nhau như con người, sinh vật, thời tiết, khí hậu… tác động và làm biến đổi.
+ Hiện trường bị xáo trộn là hiện trường mà sau khi các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự xảy ra, các dấu vết, vật chứng do nó để lại đã bị các yếu tố khác nhau tác động lên và làm biến đổi ở mức độ nhất định.
Ngoài ra, trong thực tế còn có khái niệm hiện trường giả. Đó là loại hiện trường do thủ phạm cố ý dựng lên nhằm đánh lạc hướng, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc nhận định về nội dung, tính chất cũng như diện đối tượng nghi vấn v.v. của vụ việc thực tế xảy ra.
III. Ý nghĩa của hiện trường trong công tác điều tra
Hiện trường là nơi xuất hiện và tồn tại của vật chứng, dấu vết phản ánh tổng thể về vụ việc. Vì vậy hiện trường có ý nghĩa quan trọng trong việc thu thập các thông tin, tài liệu chứng cứ phục vụ cho việc điều tra, làm rõ vụ việc. Hiệu quả của hoạt động điều tra bị chi phối ở mức độ đáng kể bởi kết quả khám nghiệm hiện trường, thậm chí trong nhiều trường hợp nó mang tính chất quyết định đối với hiệu quả của hoạt động điều tra. Thông qua hiện trường, cơ quan điều tra có thể nhận định, đánh giá tính chất của hoạt động của thủ phạm, công cụ, phương tiện mà thủ phạm sử dụng khi phạm tội, thời gian đến hiện trường của thủ phạm, mối quan hệ giữa thủ phạm và hiện trường cũng như nhiều thông tin cần thiết khác. Qua đó, cơ quan điều tra xác định được phương hướng điều tra, dự kiến lực lượng, phương tiện cần thiết cho hoạt động điều tra, làm rõ vụ án.
Trên đây là những giải đáp về hiện trường vụ án theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My