CÔNG TY HỢP DANH

Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh công ty hợp danh mới chỉ được chính thức tồn tại đúng với tên gọi của nó trong thời gian gần đây nhưng hứa hẹn một tương lai phổ biến ở nước ta. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu về loại hình công ty hợp danh trong bài viết dưới đây nhé.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020.

1. CÔNG TY HỢP DANH LÀ GÌ?

Điểm a khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó: Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn”

2. QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TY HỢP DANH

2.1. THÀNH VIÊN

  • Thành viên của công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp được chia thành hai loại: Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Đây là loại hình công ty đối nhân nên các thành viên trong công ty ít nhiều đã có sự quen biết và tin tưởng lẫn nhau. 
  • Điểm b khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty”
  • Thành viên hợp danh chỉ là cá nhân chứ không phải pháp nhân. Việc giới hạn các thành viên hợp danh chỉ là các cá nhân có lẽ là do các nhà làm luật Việt Nam không muốn cho pháp nhân được phép trở thành thành viên hợp danh, bởi lẽ các pháp nhân thường có cơ chế chịu trách nhiệm hữu hạn về mặt tài sản.
  • Thành viên hợp danh liên kết với nhau chủ yếu dựa vào nhân thân, liên kết về vốn là yếu tố thứ yếu. 
  • Về số lượng thành viên của công ty hợp danh Việt Nam quy định tối thiểu là 02. Quy định này giống như hầu hết các quốc gia. Thành viên hợp danh là đối tượng trực tiếp thành lập, tham gia quản lý, điều hành trong công ty hợp danh và bắt buộc phải có trong công ty. 
  • Mặt khác, các thành viên hợp danh là những người giữ vai trò bảo lãnh liên đới cho mọi hoạt động của công ty và phải chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ của công ty. Do đó, thành viên hợp danh là những người nòng cốt của công ty hợp danh bởi nếu không có thành viên này thì công ty hợp danh sẽ không thể thành lập và hoạt động được. 
  • Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh được quy định tại Điều 181 Luật Doanh nghiệp 2020, trong đó quyền của thành viên hợp danh tại khoản 1 Điều 181 và nghĩa vụ tại khoản 2 Điều 181. 

2.2. CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM TÀI SẢN

  • Tài sản của công ty hợp danh được quy định tại Điều 179 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm: 

“1. Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty;

2. Tài sản tạo lập được mang tên công ty;

3. Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ hoạt động kinh doanh của công ty do thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện; 

4. Tài sản khác theo quy định của pháp luật”

  • Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới. Các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với nghĩa vụ công ty. 
  • Trách nhiệm này không thể bị giới hạn đối với bất kỳ thành viên nào. Chủ nợ có thể yêu cầu một trong các thành viên hợp danh phải thanh toán tất cả các khoản nợ cho các thành viên hợp danh còn lại và thành viên này sẽ được hoàn trả lại từ thành viên khác hoặc trong trường hợp một thành viên hợp danh dù đã thanh toán hết khoản nợ của mình nhưng vẫn có trách nhiệm đối với khoản nợ của các thành viên khác. 
  • Mặc dù việc các thành viên hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về tài sản giúp gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa các thành viên hợp danh nhưng là lý do khiến không phải nhà kinh doanh nào cũng mong muốn trở thành thành viên hợp danh của công ty hợp danh do mức độ rủi ro rất cao.
  • Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty. 
  • Công ty hợp danh với đặc trưng bản chất là đối nhân nên thành viên hợp danh và chế độ trách nhiệm vô hạn liên đới về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mới là yếu tố chính, chủ chốt. 

2.3. TƯ CÁCH PHÁP LÝ

  • Khoản 2 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”
  • Công ty hợp danh là chủ thể độc lập trước pháp luật. Công ty hợp danh có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của công ty và tài sản các thành viên công ty. 
  • Các thành viên công ty phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sang công ty và tài sản hình thành trong quá trình công ty hoạt động là tài sản của công ty. 

2.4. PHÁT HÀNH CHỨNG KHOÁN

  • Công ty hợp danh không có quyền phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào theo quy định khoản 3 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Khả năng huy động vốn của công ty hợp danh là rất hạn chế. Tuy nhiên, việc không cho công ty hợp danh phát hành trái phiếu vẫn còn đang có nhiều ý kiến trái chiều. 
  • Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành buộc phải trả cho người sở hữu trái phiếu với một khoản tiền cụ thể trong một khoảng thời gian xác định với một khoản lợi tức quy định,  thực chất trái phiếu là giấy ghi nợ. 
  • Phát hành trái phiếu sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên hợp danh mà còn giúp công ty hợp danh tăng vốn nên việc không cho phép công ty hợp danh không được phát hành trái phiếu là bất hợp lý.

2.5. CƠ CẤU TỔ CHỨC QUẢN LÝ

  • Cơ cấu tổ chức bao gồm: Hội đồng thành viên với người đứng đầu là Chủ tịch hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên, kể cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn.
  • Điều 182 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Hội đồng thành viên bao gồm tất cả thành viên. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác”. Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên được quy định tại Điều 182 Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Thành viên hợp danh là các cá nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình với các khoản nợ của công ty. Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh được quy định tại Điều 181 Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty. Quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn được quy định tại Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020.

 

Trên đây là nội dung về công ty hợp danh, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 26/10/2023

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *