Có thể kháng cáo phán quyết của trọng tài không?

Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật Winlegal sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi: Có thể kháng cáo phán quyết của trọng tài không?

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật trọng tài thương mại 2010

II. Nguyên tắc ra phán quyết

Nguyên tắc ra phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 60 Luật trọng tài thương mại 2010 như sau:

– Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số: các thành viên Hội đồng trọng tài biểu quyết toàn bộ nội dung giải quyết tranh chấp.

– Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

III. Có thể kháng cáo phán quyết của trọng tài không?

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì: Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Do phán quyết của trọng tài là chung thẩm do đó các bên không thể kháng cáo phán quyết của trọng tài.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ để chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp để xem xét hủy phán quyết trọng tài, thì có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài.

Căn cứ Ðiều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về việc căn cứ huỷ phán quyết trọng tài như sau:

– Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên.

– Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;

+ Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;

+ Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;

+ Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;

+ Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Lưu ý: Khi Tòa án xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, nghĩa vụ chứng minh được xác định như sau:

+ Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 68 luật trọng tài có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong các trường hợp đó;

+ Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 luật trọng tài, Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài.

Nếu không có căn cứ hủy thì Tòa án không thể ra quyết định hủy phán quyết trọng tài. Lúc này các bên phải thực theo phán quyết của trọng tài. Khi hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.

IV. Một số câu hỏi khác liên quan đến trọng tài thương mại

Câu 1: Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền triệu tập người làm chứng không?

Theo quy định, Điều 47 Luật TTTM thì Hội đồng Trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp, khi có yêu cầu của một hoặc các bên và xét thấy cần thiết. 

Chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu hoặc do Hội đồng Trọng tài phân bổ.

 Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng Trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp, thì Hội đồng Trọng tài gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên họp của Hội đồng Trọng tài. Văn bản phải nêu rõ nội dung vụ việc đang được giải quyết tại Trọng tài; họ, tên, địa chỉ của người làm chứng; lý do cần triệu tập người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng cần phải có mặt.

Câu 2: Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không?

Theo quy định tại Điều 49 Luật TTTM thì Theo yêu cầu của một trong các bên, Hội đồng Trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp.

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:

– Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;

– Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;

– Kê biên tài sản đang tranh chấp;

– Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;

– Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;

– Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

Trên đây là toàn bộ giải đáp về có thể kháng cáo phán quyết của trọng tài không theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: Ngày 28/02/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *