CHỒNG ĐI NƯỚC NGOÀI CẮT ĐỨT LIÊN LẠC, VỢ CÓ LÀM THỦ TỤC LY HÔN ĐƯỢC KHÔNG?

Chào Luật sư, tôi và chồng lấy nhau năm 2022, đầu năm 2023 chồng tôi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Thời gian đầu chồng tôi vẫn gọi về đều đặn nhưng sau khoảng sáu tháng, tôi không còn liên lạc được với chồng, nhắn tin gọi điện chồng tôi đều không trả lời, không biết hiện chồng đang ở đâu. Tuy nhiên, chồng tôi vẫn liên lạc và gửi tiền hàng tháng về cho bên nội. Qua hỏi thăm tôi được biết ở bên đó chồng tôi đã quen và chung sống với một người phụ nữ Việt Nam cũng đi xuất khẩu lao động. Tôi và chồng không có con cái, tài sản chung chỉ có 1 chiếc xe SH mua sau khi cưới để đi lại. Luật sư cho tôi hỏi giờ tôi muốn ly hôn chồng có được không và tôi phải làm như thế nào?

(Chú thích: chồng đi nước ngoài cắt đứt liên lạc, vợ có làm thủ tục ly hôn được không?)

 

Đối với trường hợp này của bạn, Luật sư tư vấn cho bạn như sau:

  1. Bạn có quyền yêu cầu ly hôn không?

Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định như sau: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”. Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn với chồng.

  1. Tòa án sẽ giải quyết như nào đối với trường hợp này?

TAND tối cao đưa ra ý kiến về việc giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ trong Công văn số 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 như sau: “…trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung”.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn không liên hệ được với chồng, không biết thông tin nơi ở cụ thể của chồng ở Hàn Quốc nhưng chồng bạn vẫn liên lạc với gia đình bên nội và gửi tiền về cho họ hàng tháng. Trường hợp này, Tòa án sẽ yêu cầu gia đình chồng bạn cung cấp địa chỉ, tin tức của chồng bạn và thông báo cho chồng bạn biết để gửi lời khai về cho Tòa. Nếu gia đình chồng bạn không phối hợp thực hiện thì đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ. Toà án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà gia đình chồng bạn vẫn không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của chồng bạn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho chồng bạn biết, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.

  1. Thủ tục ly hôn đơn phương

(Chú thích: thủ tục ly hôn đơn phương)

3.1. Cần chuẩn bộ những hồ sơ, tài liệu gì?

Bạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ ly hôn đơn phương, gồm có:

– Đơn khởi kiện ly hôn đơn phương;

– Bản gốc Giấy chứng nhận kết hôn của hai vợ chồng;

– Bản sao chứng thực Giấy tờ tùy thân của hai vợ chồng;

– Bản phô tô giấy tờ liên quan đến tài sản chung là chiếc xe;

– Bản sao chứng thực Giấy xác nhận thông tin cư trú của chồng  

– Các tài liệu khác có liên quan.

3.2. Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, thẩm quyền giải quyết vụ án đơn phương ly hôn trong trường hợp một bên đương sự đang ở nước ngoài và một bên ở Việt Nam thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú.

Trường hợp ly hôn đơn phương mà một bên giấu địa chỉ, theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết 03/2017/NQ – HĐTP, người khởi kiện có thể yêu cầu Tòa án nơi người bị khởi kiện cư trú, làm việc cuối cùng để giải quyết. Địa chỉ cuối cùng được xác định như sau:

– Nơi cư trú cuối cùng khác với nơi cư trú của bị đơn tại thời điểm đăng ký kết hôn được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì Tòa án xác định địa chỉ của bị đơn là nơi cư trú cuối cùng.

– Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng hoặc nơi cư trú cuối cùng của bị đơn là địa chỉ đăng ký kết hôn được ghi trong Giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, thì Toà án xác định địa chỉ của bị đơn được thể hiện trong Giấy chứng nhận kết hôn hoặc sổ hộ khẩu để giải quyết vụ án.

Như vậy, trong trường hợp này, bạn sẽ ghi địa chỉ của chồng theo địa chỉ trong Giấy đăng ký kết hôn hoặc nơi cư trú cuối cùng theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận của địa phương. Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi chồng bạn cư trú cuối cùng sẽ thụ lý và giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư Công ty Luật TNHH Winlegal, khách hàng có nhu cầu được tư vấn quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình, vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Winlegal để được giải đáp thắc mắc.

———————————————

WINLEGAL – TÍN NHIỆM CÙNG THÀNH CÔNG

Hotline: 0976.718.066 / 0976.738.066

Website: https://winlegal.vn/ 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *