Cha mẹ đánh con có bị xử phạt không?

Cha mẹ dùng roi vọt với con cái khi muốn dạy con mình ngoan hơn, biết nghe lời hơn. Vậy hành động đánh con của các bậc cha mẹ liệu có vi phạm pháp luật? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào? Trong phạm vi bài viết này, công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn giải đáp những vấn đề trên theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật hôn nhân và gia đình 2014
  • Bộ luật hình sự 2015
  • Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 
  • Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình

II. Cha mẹ đánh con có vi phạm pháp luật không?

Theo Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì cha mẹ phải thương yêu, tôn trọng ý kiến của con cũng như không được phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, không được ép con phải lao động quá sức hoặc xúi giục, ép buộc con làm công việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội… là quyền cũng là nghĩa vụ mà cha mẹ phải thực hiện.

Bên cạnh đó, theo điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 nêu rõ, việc ngược đãi, đánh đập, đe dọa/có hành vi cố ý khác, hành hạ nhằm xâm hại sức khỏe, tính mạng của thành viên gia đình đều bị coi là bạo lực gia đình.

Như vậy, việc cha mẹ đánh con vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật.

III. Cha mẹ đánh con có bị xử phạt không?

Như phân tích ở trên hành vi đánh con là hành vi bị cấm. Do đó nếu vi phạm thì cha mẹ sẽ phải bị xử phạt.

Tùy vào mức độ, tính chất của việc đánh con, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt hành chính

Theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu cha mẹ có hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình thì sẽ bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng.

Nặng hơn, nếu sử dụng thêm các công cụ, vật dụng khác… gây thương tích cho con cái hoặc không kịp đưa nạn nhân đi cấp cứu hoặc không chăm sóc trẻ trong thời gian con cái điều trị chấn thương do bạo lực gia đình gây ra thì bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng (trừ trường hợp người con từ chối).

Ngoài ra, với các hành vi khác ngược đãi, hành hạ con cái như đối xử tồi tệ (bắt nhịn ăn, nhịn uống, chịu rét hoặc bỏ mặc không chăm sóc…) thì có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng theo Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Với trẻ em (người dưới 16 tuổi), hành vi bạo lực với trẻ có thể bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP với các hành vi:

– Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho/hạn chế vệ sinh cá nhân hoặc có hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em…

– Gây tổn hại về tinh thần, lăng mạ, chửi bới, đe dọa, cô lập… hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ trong đó có đánh đập khiến thể chất, tinh thần của trẻ bị tổn hại…

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối;

b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, đối với hành vi bạo lực gia đình bố mẹ đánh đập con cái; ở mức nhẹ thì bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm. Ngoài ra còn phải buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân yêu cầu và chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Cha mẹ đánh con có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:

– Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 03 năm tù giam

– Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam.

Ngoài ra, nếu vì bị ngược đãi, thường xuyên bị đối xử tàn ác làm người đó tự sát thì có thể bị phạt tù cao nhất là 12 năm tù giam do phạm Tội bức tử quy định tại Điều 130 Bộ luật Hình sự 2015.

Trên đây là toàn bộ giải đáp về câu hỏi cha mẹ đánh con thì bị xử phạt thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: Ngày 22/03/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *