Để đảm bảo việc khám nghiệm hiện trường diễn ra thuận lợi, thu thập được nhiều dấu vết và vật chứng có lợi cho việc điều tra cũng như tránh bỏ lọt vật chứng thì cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào loại hiện trường để áp dụng phương pháp khám nghiệm phù hợp. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ tìm hiểu về các phương pháp khám nghiệm hiện trường.
Mục lục
1. Một số khái niệm
– Hiện trường là nơi có thông tin, dấu vết của tội phạm hoặc nghi có liên quan đến tội phạm cần tiến hành khám nghiệm.
– Bộ luật Tố tụng hình sự hiện không có quy định giải thích cụ thể thế nào là khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, có thể hiểu khám nghiệm hiện trường là biện pháp điều tra được tiến hành tại hiện trường nhằm phát hiện, thu thập, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá các dấu vết, vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính chất hình sự.
+ Nơi thực hiện: nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm
+ Mục đích: phát hiện dấu vết tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan để phục vụ cho quá trình điều tra, làm sáng tỏ vụ án.
2. Các phương thức khám nghiệm hiện trường
2.1 Phương pháp khám nghiệm dựa theo diễn biến vụ việc đã nhận định
Trên cơ sở phân tích những thông tin đã thu thập ở giai đoạn chuẩn bị khám nghiệm và quan sát thực trạng hiện trường, lực lượng khám nghiệm hiện trường nhận định về đường vào, đường ra của thủ phạm, quá trình diễn biến thực hiện hành vi của thủ phạm ở hiện trường, những thay đổi về sự sắp xếp các đồ vật….Từ đó nhận định trình tự xuất hiện các loại dấu vết, vật chứng, những khu vực chúng tồn tại. Kết quả của nhận định đó là cơ sở xác định trình tự nghiên cứu từng khu vực, từng đồ vật trong phạm vi hiện trường và trình tự phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản từng loại dấu vết, vật chứng tại hiện trường. Phương pháp này được tiến hành theo trình tự từ điểm bắt đầu đến điểm tiếp theo. Điểm bắt đầu thường là đường vào, vị trí thủ phạm bắt đầu đột nhập vào hiện trường với những dấu vết đã quan sát rõ. Điểm khám nghiệm tiếp theo là hướng hoạt động của thủ phạm tại hiện trường với những dấu vết, vật chứng theo nhận định có khả năng tồn tại.
Áp dụng phương pháp này có ưu điểm: Sử dụng hợp lý phương tiện kỹ thuật và lực lượng để đạt hiệu quả cao trong khám nghiệm; tận dụng và khai thác được tối đa hiệu suất của phương tiện kỹ thuật để phát hiện dấu vết, nhất là dấu vết ẩn và vi vết; có cơ sở để đánh giá xác định giá trị của dấu vết, vật chứng đã thu lượm; tiết kiệm thời gian và công sức trong khám nghiệm.
Nhược điểm: Thường chỉ khám nghiệm những nơi nhận định có sự việc xảy ra dẫn đến có khu vực tồn tại dấu vết, vật chứng nhưng không khám nghiệm; đối với những vụ việc mang tính hình sự mà phạm vi hiện trường rộng, phức tạp hoặc hiện trường bị xáo trộn nhiều, khó nhận định diễn biến sự việc thì khó áp dụng phương pháp này.
2.2 Phương pháp khám nghiệm theo hình xoáy ốc
Khám nghiệm theo hình xoáy ốc từ trong ra ngoài: Phương pháp khám nghiệm này thực hiện theo trình tự bắt đầu từ một đồ vật nào đó (hoặc tử thi) ở trung tâm hiện trường sau đó nghiên cứu phát hiện dấu vết ở đồ vật (hoặc khu vực) kế tiếp, liền kề theo trình tự từ trong ra ngoài, cho đến khi tiếp cận ranh giới của hiện trường thì kết thúc. Khám nghiệm theo hình xoáy ốc từ ngoài vào trong: Lực lượng khám nghiệm bắt đầu từ một đồ vật ở phần giáp với giới hạn phạm vi hiện trường, sau đó nghiên cứu phát hiện dấu vết ở đồ vật (hoặc khu vực) kế tiếp, liền kề theo trình tự từ ngoài vào trong. Phương pháp khám nghiệm theo hình xoáy ốc thường được lựa chọn áp dụng đối với hiện trường rộng ở ngoài trời và áp dụng đối với những hiện trường đã xác định vùng trung tâm. Ví dụ, đối với loại hiện trường có người chết thường bắt đầu khám nghiệm bắt đầu từ tử thi, từ nơi tử thi tiếp xúc, sau đó đến các nơi khác.
Phương pháp khám nghiệm theo hình xoáy ốc có ưu điểm: Không cần nhiều nhân lực và phương tiện; Tất cả các đồ vật, các khu vực trong phạm vi hiện trường đều được khám nghiệm; Việc nhận định, kết luận diễn biến của vụ việc thuận lợi, đảm bảo tính hệ thống.
Phương pháp này cũng có nhược điểm như: Khi khám nghiện có thể phát hiện được những dấu vết, đồ vật nhưng đó không phải là dấu vết hình sự không liên quan đến vụ việc mang tính 11 hình sự; Thường chỉ tập trung phát hiện các dấu vết dễ thấy, bỏ sót không phát hiện vi vết và dấu vết ẩn.
2.3 Phương pháp khám nghiệm theo đường song song
Lực lượng khám nghiệm bắt đầu từ một phía của hiện trường, tiến hành nghiên cứu các khu vực, đồ vật theo một đường đến phía đối diện, sau đó vòng lại tiếp tục khám nghiệm các khu vực, đồ vật kế tiếp theo một đường song song với đường nêu trên, sau đó tiếp tục khám theo các đường song song tương tự cho đến khi đến ranh giới hiện trường thì kết thúc. Phương pháp này thường được áp dụng khi khám nghiệm những hiện trường rộng, không có ranh giới tự nhiên.
Phương pháp khám nghiệm theo đường song song nêu trên có ưu điểm: chỉ cần ít cán bộ chuyên môn và phương tiện kỹ thuật cũng có thể hoàn thành khám nghiệm một hiện trường; tất cả các đồ vật, các khu vực trong phạm vi hiện trường đều được khám nghiệm, tránh sót lọt dấu vết, vật chứng; việc nhận định, kết luận diễn biến của vụ việc thuận lợi, đảm bảo tính hệ thống.
Hạn chế của phương pháp này là: Khi khám nghiện có thể phát hiện được những dấu vết, đồ vật nhưng đó không phải là dấu vết hình sự, không liên quan đến vụ việc mang tính hình sự; thường chỉ tập trung phát hiện các dấu vết dễ thấy, bỏ sót không phát hiện vi vết và dấu vết ẩn.
2.4 Phương pháp khám nghiệm theo cách cuốn chiếu
Phương pháp khám nghiệm này thực hiện như sau: Lực lượng khám nghiệm chia thành từng nhóm cùng với phương tiện khám nghiệm, dàn thành hàng ngang (hết chiều rộng của hiện trường), đồng thời cùng khám nghiệm các đồ vật, các khu vực ở hiện trường theo trình tự từ đầu đến cuối hiện trường. Phương pháp này được sử dụng khi khám nghiệm những hiện trường mà phạm vi không gian không lớn và có chiều ngang hẹp, có thể bố trí được cán bộ khám nghiệm dàn hết mặt bằng từ đầu này đến đầu kia của hiện trường.
Phương pháp này có ưu điểm là toàn bộ các khu vực trong phạm vi hiện trường đều được khám nghiệm, có thể phát hiện được hầu hết các phản ánh vật chất dễ thấy ở hiện trường và tiết kiệm thời gian khám nghiệm.
Hạn chế của phương pháp này là: Lực lượng và phương tiện khám nghiệm phải nhiều; do từng nhóm cán bộ khám nghiệm từng phần khác nhau của hiện trường, nên sự liên kết để xác định về diễn biến hành vi phạm tội khó khăn hơn các chiến thuật khác.
2.5 Phương pháp khám nghiệm theo cách chia khu vực
Đối với những hiện trường có ranh giới tự nhiên ngăn cách tạo thành các khu vực độc lập (như tường, hàng rào, lối đi…) hoặc những hiện trường có phạm vi quá rộng thì chia hiện trường thành nhiều khu vực, nhiều ô khác nhau để khám nghiệm. Tuỳ theo lực lượng và phương tiện hiện có mà tiến hành khám nghiệm lần lượt từng khu vực hoặc khám đồng loạt các khu vực hiện trường. Việc khám nghiệm từng khu vực hiện trường đã phân chia, có thể áp dụng các phương pháp nêu trên.
Ưu điểm của phương pháp này là tất cả các đồ vật ở hiện trường đều được nghiên cứu khám nghiệm, đảm bảo yêu cầu toàn diện.
Phương pháp này có hạn chế là trong nhiều trường hợp khi khám nghiệm phải sử dụng nhiều lực lượng và nhiều phương tiện; Đồng thời, do mỗi khu vực hiện trường được khám nghiệm độc lập, nên việc xác định quan hệ giữa các dấu vết, vật chứng để kết luận về hành vi phạm tội của thủ phạm gặp khó khăn.
Có thể thấy mỗi phương pháp khám nghiệm cụ thể có những ưu điểm và những hạn chế nhất định, vì thế trước khi tiến hành khám nghiệm người chủ trì phải nắm vững lực lượng, phương tiện và đặc điểm tình hình thực tế của hiện trường để xác định phương pháp khám nghiệm cho phù hợp.
Trên đây là những giải đáp về các phương pháp khám nghiệm hiện trường theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My