QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động tại nơi làm việc rất quan trọng, đặc biệt là đối với những ngành nghề độc hại, nguy hiểm. Vậy pháp luật quy định như thế nào về an toàn, vệ sinh lao động? Trong phạm vi bài viết này, công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên theo định của pháp luật.

1. Cơ sở pháp lý

2. Thế nào là an toàn, vệ sinh lao động?

– An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động. (khoản 2 điều 3 luật an toàn, vệ sinh lao động 2015)

– Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động (khoản 3 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)

3. Nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

Việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

– Bảo đảm quyền của NLĐ được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.

– Tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; 

Ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động.

– Tham vấn ý kiến tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.

4. Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của NLĐ

4.1 Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của NLĐ có HĐLĐ

– NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:

+ Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; 

+ Yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;

+ Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; 

+ Được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; 

+ Được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 

+ Được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; 

+ Chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;

+ Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

– NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ sau đây:

+ Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

+ Tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể;

+ Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp;

+ Các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

+ Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; 

+ Chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4.2 Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của NLĐ không có HĐLĐ

– NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:

+ Được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động;

+ Được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh lao động;

+ Tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác an toàn, vệ sinh lao động; 

+ Được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định.

+ Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện;

+ Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

– NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ sau đây:

+ Chịu trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật;

+ Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với những người có liên quan trong quá trình lao động;

+ Thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất an toàn, vệ sinh lao động.

5. Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động

– Người sử dụng lao động có quyền sau đây:

+ Yêu cầu NLĐ phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

+ Khen thưởng NLĐ chấp hành tốt và kỷ luật NLĐ vi phạm trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động;

+ Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật;

+ Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.

– Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:

+ Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; 

+ Đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

+ Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;

+ Trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;

+ Thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; 

+ Thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ;

+ Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của NLĐ;

+ Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;

+ Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; 

+ Phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; 

+ Phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động;

+ Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng;

+ Thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; 

+ Chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

+ Nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

+ Người sử dụng lao động căn cứ pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn, vệ sinh lao động và điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *