Quy định pháp luật về hợp đồng vô hiệu

Hợp đồng lao động có vai trò quan trọng trong quan hệ lao động. Hợp đồng lao động là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên có nhiều trường hợp hợp đồng lao động bị vô hiệu gây ảnh hưởng tới người lao động và người sử dụng lao động.

Vậy khi nào thì hợp đồng lao động bị vô hiệu? Trong phạm vi bài viết dưới đây, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên.

1.Cơ sở pháp lý 

  • Bộ luật lao động 2019

2.Hợp đồng lao động là gì? 

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

3.Hợp đồng bị vô hiệu

Hợp đồng lao động vô hiệu có thể hiểu là hợp đồng chứa đựng các yếu tố không đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật để đảm bảo cho hợp đồng phát sinh hiệu lực pháp luật nên không có giá trị pháp lý ràng buộc hai bên người sử dụng lao động và người lao động kể từ thời điểm xác lập. Nói cách khác, những gì mà các bên đã thỏa thuận, cam kết không có giá trị thực hiện, các bên không thể dựa vào pháp luật để thực hiện chúng, do không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

4.Các trường hợp hợp đồng lao động bị vô hiệu

Theo quy định của Bộ luật lao động 2019 thì chia hợp đồng lao động bị vô hiệu thành 2 loại là hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ và bị vô hiệu một phần.

4.1 Trường hợp hợp đồng lao động bị vô hiệu hoàn toàn 

Theo quy định tại khoản 1 điều 49 bộ luật lao động 2019 thì hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:

Thứ nhất toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật. Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động là trái pháp luật: Toàn bộ nội dung hợp đồng lao động trái pháp luật được hiểu là toàn bộ các điều khoản trong hợp đồng lao động đều không đúng với quy định của pháp luật. Theo quy định, hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Lao động năm 2019. Thực tế cho thấy rất hiếm khi rơi vào trường hợp này. Do một hợp đồng lao động khó mà có thể trái quy định của pháp luật ở tất cả các điều khoản.

Thứ hai người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật lao động 2019.

-Người giao kết không đúng thẩm quyền là người không có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động nhưng lại tiến hành ký kết các hợp đồng lao động. Bộ luật Lao động năm 2019 thì thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động như sau:

+ Đối với người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên.

Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.

Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó.

Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.

+Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động. Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.

+Đối với người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

Về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động: Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động là các nguyên tắc quy định tại Điều 7 Bộ luật Lao động 2019, bao gồm: Nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.

Thứ ba công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm. Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng là công việc bị pháp luật cấm được hiểu là những công việc pháp luật cấm thực hiện nhưng các bên vẫn thoả thuận trong hợp đồng đó là công việc mà người lao động phải thực hiện. Chẳng hạn như những công việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán ma tuý…

4.2 Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần

Theo Bộ luật Lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

Nếu chỉ vi phạm một hoặc một vài nội dung dưới đây mà không phải toàn bộ hợp đồng và cũng không ảnh hưởng đến phần còn lại thì phần hợp đồng vi phạm sẽ bị vô hiệu.

-Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động.

-Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ CCCD, CMND hoặc Hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động.

-Công việc và địa điểm làm việc.

-Thời hạn của hợp đồng lao động.

-Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

-Chế độ nâng bậc, nâng lương.

-Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

-Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

-BHXH, BHYT và BHTN.

-Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Trên đây là những giải đáp về vấn đề quy định của pháp luật về hợp đồng lao động bị vô hiệu theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *