CĂN CỨ HOÃN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Trong một số trường hợp, quá trình thi hành án dân sự (THADS) có thể gặp những trở ngại khách quan dẫn đến việc thi hành án (THA) chưa thể thực hiện được ngay, tạm thời bị gián đoạn hoặc không thể THA được. Khi đó, dựa vào những căn cứ cụ thể, chủ thể có thẩm quyền sẽ ra một số quyết định, trong đó có hoãn THADS. Vậy căn cứ hoãn THADS như nào? 

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

  • Luật Thi hành án dân sự năm 2008;
  • Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH Luật Thi hành án dân sự ngày 25/01/2022 của Văn phòng Quốc hội;
  • Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/07/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự

1. HOÃN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ LÀ GÌ?

  • Trong khoa học pháp lý, “hoãn THA là chuyển thời điểm thi hành bản án, quyết định dân sự đã định sang thời điểm khác muộn hơn”
  • Hoãn THADS là việc cơ quan THADS quyết định chưa tổ chức thi hành bản án, quyết định khi có căn cứ pháp luật quy định . Việc hoãn THA được thực hiện theo quy định tại Điều 48 Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH và Nghị định số 33/2020/NĐ-CP.

2. CĂN CỨ HOÃN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

– Khoản 1 Điều 48 Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-VPQH quy định 08 căn cứ hoãn THA. Cụ thể: 

– Thứ nhất, trường hợp người phải THA bị ốm nặng thì phải có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên.

  • Trường hợp người phải THA bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án thì kèm theo quyết định hoãn THA phải có quyết định của Tòa án tuyên rõ người phải THA bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đồng thời, nghĩa vụ mà người phải THA thực hiện thuộc loại nghĩa vụ phải tự mình thực hiện.
  • Trường hợp nghĩa vụ THA có thể do người khác thực hiện thay thì sẽ không áp dụng căn cứ này để ra quyết định hoãn THA. 

– Thứ hai, chưa xác định được địa chỉ của người phải THA hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải THA không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định.

  • Luật THADS hiện hành chưa quy định rõ khái niệm như thế nào là “vì lý do chính đáng khác mà người phải THA không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định” nên việc áp dụng điều kiện hoãn THA với lý do trên trong thực tiễn vẫn chưa bảo đảm tính thống nhất. 

– Thứ ba, xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận trong pháp luật dân sự, người được THA và người phải THA có quyền thỏa thuận về việc hoãn THA.

  • Về hình thức, việc đồng ý hoãn THA phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn và có chữ ký của người được THA và người phải THA. 
  • Trong thời gian hoãn THA do có sự đồng ý của người được THA, người phải THA không phải chịu lãi suất chậm THA, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. 

– Thứ tư, tài sản để THA đã được Tòa án thụ lý để giải quyết hoặc tài sản đã được kê biên nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm.

  • Trường hợp đương sự có tài sản khác ngoài trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48, cơ quan THADS xử lý tài sản đó để THA mà không ra quyết định hoãn THA. 

– Thứ năm, việc THA đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan THADS theo điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 Luật THADS. 

– Thứ sáu, người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng theo Điều 39,40,41,42 và 43 Luật THADS nhưng không đến nhận. 

– Thứ bảy, việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ THA theo quy định Điều 54 của Luật THADS chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. 

  • Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” trong trường hợp này.
  • Nếu dẫn chiếu đến quy định về sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP thì chưa thực sự hợp lý vì đó là trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan của việc xác định thời hiệu yêu cầu THA. 

– Thứ tám, tài sản kê biên không bán được mà người được THA không nhận để THA theo khoản 3 Điều 104 của Luật THADS.

Trên đây là những thông tin chi tiết về các trường hợp hoãn thi hành án dân sự, WINLEGAL vừa chia sẻ với các bạn. Qúy khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 09/10/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *