CĂN CỨ ĐÌNH CHỈ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Trong quá trình thi hành án dân sự (THADS) có thể gặp những trở ngại khách quan dẫn đến việc thi hành án (THA) chưa thể thực hiện được ngay, tạm thời bị gián đoạn hoặc không thể THA được. Khi đó, dựa vào những căn cứ cụ thể, chủ thể có thẩm quyền sẽ ra một số quyết định, trong đó có đình chỉ THA. Vậy các trường hợp đình chỉ THADS như thế nào? Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

2. ĐÌNH CHỈ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ LÀ GÌ?

  • Đình chỉ là làm ngừng lại hoặc làm cho phải ngừng lại trong một khoảng thời gian hoặc vĩnh viễn.
  • Đình chỉ THADS là việc cơ quan THADS quyết định ngừng hẳn việc THADS khi có căn cứ do pháp luật quy định.

3. CĂN CỨ ĐÌNH CHỈ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Khoản 1 Điều 50 Luật THADS quy định 08 căn cứ đình chỉ THA. Cụ thể:

– Thứ nhất, người phải THA chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được thực hiện chuyển giao cho người thừa kế. 

– Thứ hai, người được THA chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế. 

  • Về nguyên tắc, khi người được THA chết thì các quyền và lợi ích được chuyển giao cho người thừa kế nhưng trong trường hợp này lại không có ai thừa kế các quyền và lợi ích đó nên cơ quan THADS không còn đối tượng để THA và phải ra quyết định đình chỉ THA. 

– Thứ ba, đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được THA có văn bản yêu cầu cơ quan THADS đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định, trừ trường hợp việc đình chỉ THA ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người thứ ba và ngăn chặn người được THA trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với thứ ba. 

– Thứ tư, bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật này. 

– Thứ năm, người phải THA là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác. 

  • Tuy nhiên, quy định này có mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể ở vấn đề chuyển giao nghĩa vụ trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì nghĩa vụ THA được chuyển giao cho cá nhân là người quản lý có liên quan.

– Thứ sáu, có quyết định miễn nghĩa vụ THA. Việc miễn, giảm nghĩa vụ THA hiện nay khi thực hiện căn cứ vào các quy định tại Nghị quyết số 24 của Quốc hội, Luật THADS… 

– Thứ bảy, Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải THA. 

  • Căn cứ này áp dụng đối với người phải THA là doanh nghiệp và hợp tác xã, trình tự, thủ tục phá sản đối với các đối tượng này chịu sự điều chỉnh của Luật Phá sản 2014. 
  • Quy định này tạo nên sự thống nhất giữa Luật THADS và Luật Phá sản, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THA khi tiến hành ra quyết định đình chỉ THA.

– Thứ tám, người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã chết hoặc đã thành niên. 

  • Quy định này là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ khi thi hành bản án, quyết định giao người chưa thành niên cho một bên nuôi dưỡng mà vào thời điểm THA người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng đã thành niên thì cơ quan THADS không còn đối tượng để thi hành nên việc THA phải bị đình chỉ. 

 

Trên đây là những thông tin chi tiết về các trường hợp đình chỉ thi hành án dân sự, WINLEGAL vừa chia sẻ với các bạn. Qúy khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:

 

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *