SO SÁNH CIVIL LAW VÀ COMMON LAW

Civil Law và Common law là hai truyền thống pháp luật (TTPL) lớn trên thế giới hiện nay không chỉ vì lịch sử phát triển lâu đời mà còn vì sức ảnh hưởng của chúng đến các quốc gia khác. Mỗi hệ thống pháp luật có những đặc điểm, đặc trưng khác nhau nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng trong những mặt nhất định. Hãy cùng Luật Winlegal tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

I. CIVIL LAW LÀ GÌ?

  • Truyền thống Civil Law (Civil Law tradition) còn được gọi bằng những tên khác như: TTPL Châu Âu lục địa (Continental European Legal tradition), TTPL La Mã – Giéc manh (Romano – Germanic Legal tradition). 
  • Civil Law là một hệ thống pháp luật (HTPL) thịnh hành nhất trên thế giới, tồn tại ở các nước lục địa Châu Âu như: Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Italia… phần lớn các nước Châu Phi, hầu hết các nước Mỹ Latinh và một số nước phương Đông, trong đó có Nhật Bản. 
  • Đặc trưng của TTPL này là chịu sự ảnh hưởng của luật La Mã cổ, sự đề cao pháp luật thành văn và chế định đặc trưng là chế định nghĩa vụ.

II. COMMON LAW LÀ GÌ?

  • Truyền thống Common Law (Common Law tradition) được nhắc đến với nhiều tên gọi khác như: TTPL Anh – Mỹ (Anglo – American Legal tradition), TTPL Anglo – Saxon (Anglo – Saxon Legal tradition). 
  • Common Law là HTPL lớn thứ hai trên thế giới, được ra đời tại Anh, sau này được phát triển tại Mỹ và các quốc gia thuộc địa của hai quốc gia.
  • Đặc trưng của TTPL này là sự thừa nhận án lệ, có nguồn gốc từ các tập quán, là nguồn luật chính bên cạnh lẽ công bằng (equity).

III. ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG GIỮA CIVIL LAW VÀ COMMON LAW

1. Cấu trúc hệ thống pháp luật

  • Cấu trúc nguồn luật trong truyền thống Civil Law và Common Law: Cả hai TTPL đều thừa nhận các nguồn luật bao gồm: Pháp luật thành văn, án lệ, tập quán pháp, lẽ công bằng và các học thuyết từ các công trình nghiên cứu về pháp luật…dù ở các mức độ khác nhau.

2. Vai trò của nghề luật

  • Trên phương diện nghề luật, có thể thấy ở hai TTPL đều có sự tương đồng nhất định. Điều này được thể hiện ở chỗ, Civil Law và Common Law đều có Thẩm phán và Luật sư, dù vai trò của họ là khác nhau trong từng bộ luật. 
  • Thẩm phán là người điều hành chính của phiên tòa. Nhiệm vụ của Thẩm phán là xét xử và giải quyết những vụ việc thuộc thẩm quyền của mình một cách công bằng, minh bạch. Bên cạnh đó, Thẩm phán cũng có nghĩa vụ bảo vệ và tôn trọng Hiến pháp, lẽ phải… 
  • Luật sư là người có kiến thức pháp luật, thông thạo nghề nghiệp, giữ vai trò tham vấn, hỗ trợ khách hàng trong các vấn đề pháp lý. Luật sư không chỉ có vai trò bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của thân chủ mà còn có nghĩa vụ bảo vệ công lý, tìm lại lẽ phải. 

III. ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA CIVIL LAW VÀ COMMON LAW

1. Nguồn gốc pháp luật

Civil Law

  • Truyền thống Civil Law được hình thành trên cơ sở văn hóa cộng đồng tại Châu Âu lục địa trong suốt giai đoạn từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII.
  • Pháp luật Civil Law chịu ảnh hưởng rất nhiều từ pháp luật La Mã với đặc trưng là các quan hệ dân sự. Các bộ luật lớn của lục địa Châu Âu như: Bộ luật dân sự Napoleon 1804, Bộ luật dân sự Đức 1896 đều được hình thành trên cơ sở kết hợp luật tập quán địa phương và luật La Mã.
  • Luật La Mã có ảnh hưởng rộng khắp Châu Âu lục địa. Luật La Mã được nghiên cứu tại các trường đại học của Đức, Pháp và các nước lục địa Châu Âu, được coi là nguồn luật bổ sung, được áp dụng trực tiếp nếu pháp luật thành văn và tập quán pháp luật của họ chưa có quy định đối với quan hệ xã hội cần thiết phải điều chỉnh. 

Common Law

  • Khởi thủy của truyền thống Common Law là ra đời một cách ngẫu nhiên vào thế kỷ XIII, tại một quốc đảo tách khỏi lục địa Châu Âu và do hoàn cảnh hết sức đặc thù của Anh. Common Law của Anh phát triển một cách tập trung, cô lập và từng bước được hiện đại hóa. 
  • Pháp luật Common Law đến từ các tập quán mà sau này được phát triển thành các án lệ và lẽ công bằng. Common Law là TTPL có cội nguồn từ HTPL Anh. Do đó, các HTPL ít nhiều sẽ chịu sự ảnh hưởng của Anh và ít chịu ảnh hưởng của luật La Mã.

2. Nguồn luật

Civil Law

  • Pháp luật Civil Law đề cao pháp luật thành văn, đây là nguồn luật chính. Mức độ coi trọng nguồn pháp luật trong Civil Law có thứ tự: Pháp luật thành văn, tập quán pháp, án lệ, học thuyết pháp lý và các nguyên tắc pháp luật. 
  • Văn bản quy phạm pháp luật được pháp điển hoá cao với sự hiện diện của nhiều văn bản luật có giá trị pháp lý cao: Luật, bộ luật. Các tư tưởng pháp luật, học thuyết chính trị pháp lý và các nguyên tắc pháp luật ở Châu Âu lục địa cũng được coi là nguồn quan trọng của pháp luật. Án lệ được áp dụng rất hạn chế tại các nước Châu Âu lục địa và không có tính ràng buộc chính thức.

Common Law

  • Common Law thừa nhận án lệ là nguồn luật chính thức, mang tính bắt buộc. Mức độ coi trọng nguồn pháp luật trong Common Law có thứ tự: Án lệ, pháp luật thành văn, tập quán pháp và các nguồn khác. 
  • Phần lớn các chế định và quy phạm pháp luật được hình thành không phải bằng việc ban hành văn bản pháp quy mà bằng án lệ. Các phán quyết tại các Toà án cấp cao thường được coi là án lệ và có giá trị bắt buộc đối với các Toà án địa phương. 
  • Hiện nay, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật tại các nước này cũng được ban hành khá nhiều nhưng các Thẩm phán vẫn dựa vào cả án lệ, văn bản quy phạm pháp luật và những căn cứ thực tế để xét xử. 

3. Thủ tục tố tụng

Civil Law

  • Phát triển hình thức tố tụng thẩm vấn, tố tụng viết. 
  • Hệ thống Civil Law dựa trên quy trình tố tụng thẩm vấn nên trong các vụ án hình sự, Thẩm phán căn cứ chủ yếu vào pháp luật thành văn, kết quả của cơ quan điều tra và quá trình xét xử tại Tòa để ra phán quyết. 
  • Các nước Civil Law áp dụng các hiệp định quốc tế nên các Tòa án có thể trực tiếp áp dụng các điều ước quốc tế khi xét xử.

Common Law

  • Phát triển hình thức tố tụng tranh tụng. 
  • Khi xét xử, các nước theo TTPL Common Law rất coi trọng nguyên tắc Due process: (i), yêu cầu bình đẳng của các đương sự trong việc đưa ra chứng cứ trước Tòa; (ii), yêu cầu quy trình xét xử phải được tiến hành bởi một Thẩm phán độc lập có chuyên môn kèm với một bồi thẩm đoàn vô  tư, khách quan; (iii), yêu cầu luật pháp phải được quy định sao cho một người dân bình thường có thể hiểu được hành vi phạm tội. 
  • Ở các nước theo TTPL Common Law, đa phần các hiệp định quốc tế không phải là một phần của luật quốc gia. Tòa án chỉ áp dụng khi các hiệp định quốc tế đã được nội luật hóa bởi cơ quan lập pháp.

4. Vai trò của nghề luật

Civil Law

  • Pháp luật lục địa Châu Âu có văn bản quy phạm pháp luật là nguồn chủ yếu, đồng thời quá trình điều tra phụ thuộc phần lớn vào kết quả của cơ quan điều tra nên Luật sư ít được coi trọng tại các nước Civil Law. 
  • Thẩm phán tại các nước Civil Law chỉ tiến hành hoạt động xét xử mà không được tham gia hoạt động lập pháp, không được tạo ra các chế định hay quy phạm pháp luật. Thẩm phán của các quốc gia theo TTPL Civil Law được đào tạo theo một quy trình riêng.

Common Law

  • Do án lệ là nguồn luật cơ bản, kết hợp với hình thức tố tụng tranh tụng nên Luật sư, Thẩm phán ở các nước này rất được coi trọng, đặc biệt ở khả năng xoay các tình tiết có lợi về phía mình của Luật sư và khả năng đưa ra phán quyết linh hoạt của Thẩm phán. 
  • Thẩm phán ở các quốc gia theo Common Law có vai trò sáng tạo, phát triển pháp luật và đều được lựa chọn từ những Luật sư rất danh tiếng.

Trên đây là những nội dung về so sánh giữa Civil Law và Common Law mà Luật Winlegal chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng thông tin bài viết sẽ hữu ích với bạn. Bạn có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *