Như chúng ta đã biết, đầu tư kinh doanh là việc Nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh và dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. Để hoạt động đầu tư sinh lời, Nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc tối ưu nguồn vốn và vận hành dự án một cách hiệu quả. Vậy vốn tối thiểu để thực hiện dự án đầu tư là bao nhiêu? Hãy cùng WinLegal tìm hiểu về vấn đề này nhé.
Mục lục
1. Bản chất và cơ cấu của vốn đầu tư
1.1 Về bản chất
Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Theo Điều 105 Bộ Luật dân sự số: 91/2015/QH13 (BLDS) quy định như sau:
“Điều 105: Tài sản
- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
- Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Như vậy, vốn đầu tư có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, trong đó:
- Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác (khoản 1, Điều 2 Thông tư số: 01/2012/TT-NHNN);
- Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác (Điều 115 BLDS).
1.2 Cơ cấu vốn đầu tư
Vốn đầu tư của dự án đầu tư bao gồm hai thành phần chính, đó là: Vốn góp của Nhà đầu tư; Vốn huy động. Trong đó, vốn góp của Nhà đầu tư có thể hiểu là số tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Nhà đầu tư được phép chuyển nhượng vào dự án để thực hiện dự án đầu tư. Vốn huy động có thể hiểu đơn giản là vốn mà Nhà đầu tư vay để hoạt động dự án, vốn huy động có thể từ các nguồn như: Vốn vay từ các tổ chức tín dụng; Vốn huy động từ cổ đông, thành viên, từ các chủ thể khác; Vốn huy động từ nguồn khác; …
Ngoài ra, sau khi dự án đi vào vận hành, trường hợp có phát sinh lợi nhuận, vốn đầu tư có thể tăng thêm bằng cách Nhà đầu tư quyết định để lại lợi nhuận nhằm tái đầu tư. Theo đó, lợi nhuận để lại tái đầu tư cũng sẽ là một phần cơ cấu của tổng vốn đầu tư.
2. Vốn tối thiểu để thực hiện dự án đầu tư là bao nhiêu?
Hiện nay, Luật Đầu tư số: 61/2020/QH14 (Luật Đầu tư) và Nghị định hướng dẫn thi hành không quy định hay đề cập cụ thể về mức vốn tối thiểu của một dự án đầu tư. Vậy có thể hiểu, theo tinh thần của Luật, đối với những dự án có các mục tiêu kinh doanh thông thường, Nhà nước không xác định mức vốn tối thiểu cũng như tối đa của một dự án, việc xác định mức vốn sẽ do Nhà đầu tư quyết định nhưng cần dựa trên các yếu tố như: Mục tiêu đầu tư; Mong muốn về thời hạn thực hiện Dự án; Khu vực đầu tư; …. Việc căn cứ vào các yếu tố cơ bản trên giúp Nhà đầu tư có thể xác định được một mức vốn đầu tư phù hợp, hợp lý và có tính khả thi trước Cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, khi xác định mức vốn đầu tư, Nhà đầu tư cần lưu ý những vấn đề như sau:
- Hiện nay, Việt Nam có khoảng 228 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, được ban hành theo Phụ lục IV kèm theo Luật Đầu tư, trong đó có những ngành nghề yêu cầu mức vốn tối thiểu (vốn pháp định), có thể kể đến như: Kinh doanh dịch vụ bảo vệ (cơ sở kinh doanh nước ngoài đầu tư góp vốn với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam) cần ít nhất là 000.000 USD (một triệu đô la Mỹ); Thành lập trường đại học tư thục, tối thiểu 1000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường); Kinh doanh cảng hàng không, sân bay tại cảng hàng không quốc tế, tối thiểu 200 tỷ đồng;….
- Ngoài mức vốn tối thiểu, pháp luật liên quan cũng quy định về mức ký quỹ đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, chẳng hạn như: Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, cần ký quỹ 10 tỷ đồng; Kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động, cần ký quỹ 02 tỷ đồng; Cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, cần ký quỹ không dưới 5 tỷ đồng; …
- Khi đầu tư vào những thành phố lớn, đặc biệt là những thành phố trực thuộc trung ương như: Thành phố Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh; …. Đây là những thành phố có rất nhiều nhà đầu tư đăng ký hoạt động, vì vậy để đảm bảo tính hợp lý, khả thi của dự án, Nhà đầu tư cần xác định mức vốn đầu tư lớn hơn các khu vực khác, tùy vào mục tiêu hoạt động (có thể từ 5 đến 10 tỷ đồng trở lên);
- Vốn đầu tư đối với các mục tiêu về sản xuất sẽ cần nhiều hơn so với các mục tiêu về thương mại, dịch vụ.
Trên đây là chia sẻ của Công ty Luật TNHH WinLegal về vấn đề liên quan đến vốn tối thiểu để thực hiện dự án đầu tư. Hi vọng những thông tin trên hữu ích, có thể hỗ trợ Quý Khách hàng và bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Quý Khách hàng, bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin, tư vấn và giải đáp thắc mắc xin liên hệ:
——————————————–
WINLEGAL – TÍN NHIỆM CÙNG THÀNH CÔNG
Hotline: 0976.718.066 / 0976.738.066
Website: https://winlegal.vn/