Văn bản phân chia đất có phải di chúc hay không?

Câu hỏi: Chào luật sư, năm 2015, mẹ tôi có làm văn bản phân chia đất chia cho tôi và em trai, mỗi người 300 m2 đất. Đến năm 2019, do bạo bệnh, mẹ tôi mất. Vậy luật sư cho tôi hỏi văn bản phân chia đất của mẹ tôi có được coi là di chúc không ạ?

Trả lời: 

Chào bạn, hiện nay, việc cha mẹ/ông bà muốn phân chia đất/tài sản cho con cháu ngay từ khi còn sống để tránh xảy ra tranh chấp về sau diễn ra vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, vẫn nhiều người nhầm lẫn giữa văn bản phân chia tài sản và di chúc. Do đó, thông qua câu hỏi của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:

(Văn bản phân chia tài sản có phải là di chúc?)

1. Những vấn đề cơ bản của di chúc và văn bản phân chia tài sản

1.1 Về di chúc

Theo quy định tại điều 624, Bộ luật dân sự 2015 quy định “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Như vậy, bản chất của di chúc là sự định đoạt tài sản (di sản) của cá nhân cho người khác sau khi người đó chết. Thời điểm di chúc có hiệu lực được xác định là tại thời điểm mở thừa kế – thời điểm người để lại di sản chết.

Về hình thức, theo quy định tại điều 627, Bộ luật dân sự 2015 quy định “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.”

1.2 Văn bản phân chia tài sản

Văn bản phân chia tài sản được xác định là một giao dịch dân sự, do đó, để đảm bảo văn bản phân chia tài sản có hiệu lực cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo điều 117, Bộ luật dân sự 2015. Thời điểm có hiệu lực của văn bản được xác định từ thời điểm hai bên ký kết hoặc thời điểm hai bên thỏa thuận, hoặc sau khi tiến hành công chứng, chứng thực.

Về hình thức, việc phân chia tài sản có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói, văn bản, hành vi cụ thể, trong trường hợp là văn bản phân chia tài sản sẽ được thể hiện dưới hình thức văn bản. Văn bản phân chia tài sản không bắt buộc phải công chứng chứng thực, tuy nhiên, đối với văn bản phân chia tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất, theo quy định tại khoản 3, điều 167, Luật Đất đai 2013 bắt buộc phải tiến hành công chứng, chứng thực.

2. Phân biệt giữa văn bản phân chia tài sản và di chúc

(Phân biệt văn bản phân chia tài sản và di chúc)

Tiêu chí Di chúc Văn bản phân chia tài sản
Bản chất Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Văn bản phân chia tài sản là hành vi pháp lý đơn phương của cá nhân, tổ chức có tài sản định đoạt, tặng cho tài sản của mình cho người khác.
Thời điểm có hiệu lực Thời điểm mở thừa kế – Sau khi người để lại di sản chết Ngay tại thời điểm ký, được công chứng, chứng thực hoặc một thời điểm bất kỳ do các bên lựa chọn thỏa thuận.
Hình thức  Phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên, đối với văn bản phân chia tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất phải tiến hành công chứng, chứng thực.
Các trường hợp ngoại lệ – Trường hợp 1: Những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho một số người, pháp luật quy định họ vẫn được nhận một phần di sản dù không có tên trong di chúc:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

– Trường hợp 2: Những người không có quyền hưởng di sản theo điều 621, Bộ luật dân sự 2015

– Không có ngoại lệ về trường hợp người được nhận tài sản không phụ thuộc vào nội dung văn bản phân chia

– Không có ngoại lệ về trường hợp người không được nhận tài sản theo văn bản phân chia tài sản

Từ những phân tích trên, có thể xác định rằng: Văn bản phân chia đất của mẹ bạn không được coi là di chúc.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến văn bản phân chia tài sản và di chúc. Trong trường hợp bạn đọc có bất kỳ thắc mắc gì về các quy định liên quan tới văn bản phân chia tài sản và di chúc, quý bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp fanpage hoặc hotline của công ty Luật Winlegal để được chúng tôi tư vấn và hỗ trợ.

———————————————

WINLEGAL – TÍN NHIỆM CÙNG THÀNH CÔNG

𝗛𝗼𝘁𝗹𝗶𝗻𝗲 |  0246.29.33.222

𝐖𝐞𝐛𝐬𝐢𝐭𝐞: winlegal.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *