ƯU ĐIỂM, NHƯỢC ĐIỂM CỦA CÔNG TY HỢP DANH SO VỚI DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

Hỏi: Tôi có nhu cầu thành lập doanh nghiệp và đang hướng đến hai loại hình là: Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Vậy Công ty hợp danh có ưu điểm và nhược điểm gì so với Doanh nghiệp tư nhân?

                         

Đáp

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020.

II. ƯU ĐIỂM

1. Công ty hợp danh có tính an toàn pháp lý cao hơn hẳn so với doanh nghiệp tư nhân

  • Khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp quy định: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Đây là trách nhiệm vô hạn đối với một cá nhân duy nhất. 
  • Khoản 1 Điều 184 Luật Doanh nghiệp quy định: “Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty”, tức là các thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung của công ty và có đầy đủ các quyền điều hành, quản lý công ty. Đồng thời, điểm đ khoản 2 Điều 181 Luật Doanh nghiệp quy định: “Thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty”. Thành viên của công ty hợp danh chịu chế độ trách nhiệm vô hạn với tính chất liên đới.
  • Tính liên đới của trách nhiệm vô hạn đem lại ưu thế hơn so với chế độ trách nhiệm cá nhân. 

2. Công ty hợp danh có sự tin tưởng của khách hàng cao hơn doanh nghiệp tư nhân

  • Chế độ trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh không chỉ tạo ra sự tin tưởng cho khách hàng mà còn tạo ra vô số thuận lợi rất cần thiết trong quá trình kinh doanh với uy tín được đảm bảo.
  • Trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh công ty sẽ được các ngân hàng, các đối tượng khác cho vay vốn, hoãn nợ, khoanh nợ, các bạn hàng yên tâm, thích thú khi quan hệ với công ty, tạo điều kiện cho công ty phát triển và khả năng thu hút vốn tăng lên. 

3. Công ty hợp danh có khả năng huy động vốn lớn hơn doanh nghiệp tư nhân

  • Công ty hợp danh là sự kết hợp hai thành viên hợp danh trở lên và còn có thể có thành viên góp vốn. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân chỉ có một cá nhân thành lập doanh nghiệp và tiến hành hoạt động kinh doanh. 
  • Công ty hợp danh bên cạnh hình thức tăng vốn thì còn có thể huy động vốn thông qua việc tiếp nhận thêm thành viên mới. Doanh nghiệp tư nhân chỉ thực hiện việc huy động vốn chủ yếu qua việc vay từ các tổ chức và cá nhân khác ngoài doanh nghiệp hoặc tăng đầu tư vốn từ phía chủ doanh nghiệp tư nhân.
  • Như vậy, công ty hợp danh có thể mở rộng quy mô kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường hơn hẳn doanh nghiệp tư nhân. 

4. Công ty hợp danh có tài sản độc lập và tách biệt hẳn với khối tài sản của thành viên công ty so với doanh nghiệp tư nhân

  • Tài sản của công ty hợp danh được quy định tại Điều 179 Luật Doanh nghiệp.
  • Ở doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân bỏ toàn bộ vốn và tài sản để thành lập doanh nghiệp tư nhân nên không có sự tách bạch giữa tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân với tài sản của doanh nghiệp.

5. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân so với doanh nghiệp tư nhân

  • Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp lại không công nhận tư cách pháp nhân cho doanh nghiệp tư nhân.
  • Tư cách pháp nhân mang lại sự tin cậy lớn hơn đối với các bạn hàng. Việc có hay không tư cách pháp nhân là điều kiện quan trọng để xem xét doanh nghiệp được tham gia thực hiện các hành vi kinh doanh một cách rộng rãi ở mức độ nào.

II. NHƯỢC ĐIỂM

1. Thủ tục thành lập công ty hợp danh phức tạp hơn so với doanh nghiệp tư nhân

2. Quyền tăng hoặc giảm vốn điều lệ của công ty hợp danh khó hơn so với doanh nghiệp tư nhân

  • Đối với công ty hợp danh thì việc tăng hay giảm vốn điều lệ của công ty phải được Hội đồng thành viên quyết định quy định, sửa đổi nội dung Điều lệ công ty quy định và tiến hành đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định.
  • Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn điều lệ tùy ý mà không phải đăng ký, chỉ trong trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì phải đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi giảm vốn. 

3. Quyền của các thành viên trong doanh nghiệp

  • Thành viên hợp danh có các quyền quản lý và quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty nhưng quyền này không hoàn toàn tuyệt đối và riêng biệt do nó còn phụ thuộc vào các thành viên hợp danh khác và Hội đồng thành viên. Bên cạnh đó, thành viên hợp danh còn bị hạn chế một số quyền. 
  • Doanh nghiệp tư nhân do cá nhân duy nhất làm chủ doanh nghiệp, tự đầu tư vốn và gánh chịu mọi rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp nên chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quản lý, điều hành hoạt động và phân phối lợi nhuận trong doanh nghiệp mà không bị giới hạn bởi bất kỳ chủ thể nào khác. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp tư nhân có thêm những đặc quyền khác mà thành viên hợp danh không có bao gồm: Quyền cho thuê doanh nghiệp và quyền bán doanh nghiệp theo Điều 191 và Điều 192 Luật Doanh nghiệp.

 

Trên đây là nội dung cơ bản về ưu, nhược điểm của công ty hợp danh so với doanh nghiệp tư nhân. Hy vọng WINLEGAL sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn và giúp đỡ bạn lựa chọN loại hình doanh nghiệp phù hợp. Mọi nhu cầu hỗ trợ về pháp lý xin liên hệ:

 

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *