Trường hợp phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ các trường hợp phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật tố tụng hình sự 2015

II. Huỷ bản án, quyết định của Toà án là gì?

Hủy bản án, quyết định của tòa án là việc Toà án có thẩm quyển ra quyết định bằng văn bản nhằm chấm dứt hiệu lực thi hành đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành của Tòa án cấp dưới khi phát hiện bản án, quyết định đó có sai sót.

III. Các trường hợp hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại của HĐXX phúc thẩm

Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần hội đồng xét xử mới trong những trường hợp sau đây:

1 Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm không đúng thành phần mà Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định.

Theo quy định Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.

Nếu không đảm bảo đúng thành phần hội đồng xét xử như trên thì HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.

2 Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Theo quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 4, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình xét xử sơ thẩm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

3 Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó phạm tội.

Trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội nhưng HĐXX phúc thẩm có căn cứ cho rằng người đó có tội thì không được sửa bản án sơ thẩm mà phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, bảo đảm quyền kháng cáo của bị cáo đối với việc bị tuyên là có tội. Bởi nếu không hủy bản án sơ thẩm mà đã có bản án phúc thẩm thì lúc này sẽ có hai bản án song song cùng tồn tại gây ra những mâu thuẫn trong việc thi hành và áp dụng dó đó cần hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại

4 Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ.

Trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt không có căn cứ thì HĐXX phúc thẩm không được sửa bản án sơ thẩm mà phải hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, bảo đảm quyền kháng cáo của bị cáo đối với việc bị áp dụng trách nhiệm hình sự, áp dụng hình phạt. Trong trường hợp áp dụng biện pháp tư pháp không có căn cứ, nếu hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không cần thiết phải áp dụng biện pháp tư pháp thì sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 357, Bộ luật Tố tụng Hình sự chứ không cần phải hủy bản án để xét xử lại.

5 Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp HĐXX phúc thẩm sửa bản án theo quy định tại Điều 357, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

“Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật của HĐXX sơ thẩm” ở đây có thể được hiểu là những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc một số luật liên quan. Quy định này tạo điều kiện cho HĐXX phúc thẩm khắc phục triệt để sai lầm trong áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm, tạo điều kiện cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng kịp thời đúng người, đúng tội.

IV. Một số câu hỏi liên quan

Câu 1: Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền gì?

Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền:

a)Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;

b)Sửa bản án sơ thẩm;

c)Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;

d)Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án;

đ)Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

Câu 2: Trường hợp hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại thì có được tiếp tục tạm giam bị cáo khi thời hạn tạm giam đã hết ?

Theo quy định Trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

Câu 3: HĐXX phúc thẩm không được làm gì khi ra quyết định hủy để xét xử lại bản án sơ thẩm?

Theo quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm không được quyết định trước những chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự cần áp dụng và hình phạt đối với bị cáo.

Trên đây là toàn bộ giải đáp về trường hợp hủy bán án sơ thẩm để xét xử lại theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: Ngày 23/03/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *