Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảm đảm thi hành án dân sự

Cơ quan thi hành án để đảm bảo việc thi hành án dân sự được diễn ra đúng quy định và thuận lợi, trong một số trường hợp họ phải áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì cần được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục luật định.

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ làm rõ trình tự thủ tục áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

1. Cơ sở pháp lý

  • Luật thi hành án dân sự 2008
  • Nghị định số 62/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự

 2. Thi hành án dân sự là gì? 

Căn cứ theo Điều 1 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi 2014) có thể hiểu thi hành án dân sự là trình tự, thủ tục thi hành:

– Bản án, quyết định dân sự;

Hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự;

– Phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án;

– Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản;

– Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành;

– Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.

3. Thế nào là biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự?

Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự là biện pháp pháp lý được Chấp hành viên áp dụng theo một trình tự, thủ tục luật định trong quá trình tổ chức thực hiện việc thi hành án, đặt tài sản của người phải thi hành án trong tình trạng bị hạn chế hoặc tạm thời bị cấm sử dụng, định đoạt, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng nhằm bảo toàn 

4. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

4.3 Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo đảm phong tỏa tài khoản, tài sản nơi gửi giữ 

Bước 1: Thu thập thông tin về số tài khoản của người phải thi hành án dân sự tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, tài chính, kho bạc nhà nước, thông tin về tài sản ở nơi gửi giữ.

Theo quy định tại Điều 176 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì Kho bạc nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác trong thi hành án dân sự có trách nhiệm phải:

– Cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về tài khoản của người phải thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

-Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản của người phải thi hành án.

-Thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Bước 2: Ra quyết định áp dụng biện pháp phong toả tài khoản, tài sản nơi gửi giữ.

-Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa.

-Quyết định phong tỏa do Chấp hành viên ban hành.

Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì nếu cần phải áp dụng phong toả ngay trong trường hợp khẩn cấp cần phong toả ngay. Chấp hành viên lập luôn biên bản phong toả, và trong thời hạn 24h kể từ khi lập biên bản phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Bước 3: Giao quyết định áp dụng biện pháp phong toả tài khoản, tài sản nơi gửi giữ.

Chấp hành viên giao quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ cho người đại diện theo pháp luật của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và lập biên bản về việc giao quyết định.

Lưu ý: Biên bản phải có chữ ký của Chấp hành viên, người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ. Trường hợp người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ không ký thì Chấp hành viên lập biên bản về việc không nhận quyết định, có chữ ký của người làm chứng hoặc chứng kiến và tiến hành niêm yết quyết định tại trụ sở cơ quan, tổ chức đó.

Người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.

Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản.

Bước 4: Thực hiện quyết định áp dụng biện pháp phong toả tài khoản, tài sản nơi gửi giữ.

Quyết định áp dụng biện pháp phong toả tài khoản, tài sản nơi gửi giữ có hiệu lực phát sinh ngay sau khi được giao cho cơ quan đang quản lý tài khoản, tài sản nơi gửi giữ.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, tài sản.

Lưu ý: Chấp hành viên phải gửi ngay biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Chấp hành viên có trách nhiệm bảo mật các thông tin về tài khoản, tài sản của người phải thi hành án bị áp dụng biện pháp bảo đảm khi được Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản, tài sản cung cấp.

Bước 5: Chấm dứt biện pháp phong toả tài khoản, tài sản nơi gửi giữ.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.

4.2 Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự:

Bước 1: Phát hiện tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án.

Yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về tài sản của người phải thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ.

Bước 2: Ra quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ

Trường hợp có căn cứ để áp dụng thì Chấp hành viên ra quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải xác định rõ loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ.

Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ được lập trong trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa thể ban hành quyết định được.

Trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì Chấp hành viên yêu cầu giao tài sản, giấy tờ và lập biên bản về việc tạm giữ.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Biên bản, quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Tài sản tạm giữ là tiền mặt: ghi rõ số lượng tờ, mệnh giá các loại tiền, nếu là ngoại tệ thì phải ghi là tiền nước nào và trong trường hợp cần thiết còn phải ghi cả số sê ri trên tiền.

Tài sản tạm giữ là kim khí quý, đá quý: phải niêm phong trước mặt người bị tạm giữ tài sản hoặc thân nhân của họ. Trường hợp người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ hoặc thân nhân của họ không đồng ý chứng kiến việc niêm phong thì phải có mặt của người làm chứng. Trên niêm phong phải ghi rõ loại tài sản, số lượng, khối lượng và các đặc điểm khác của tài sản đã niêm phong, có chữ ký của Chấp hành viên, người bị tạm giữ hoặc thân nhân của họ hoặc người làm chứng. Việc niêm phong phải ghi vào biên bản tạm giữ tài sản.

Bước 3: Giao quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

Chấp hành viên phải giao quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ cho đương sự hoặc tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng.

Khi tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ; trường hợp người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho người quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ.

Khi yêu cầu giao tài sản, giấy tờ, Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.

Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.

Bước 4: Giao bảo quản tài sản, giấy tờ bị tạm giữ.

 Việc bảo quản tài sản thi hành án được thực hiện bằng một trong các hình thức sau đây: Giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án hoặc người đang sử dụng, bảo quản; Cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản; Bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự.

Việc giao bảo quản tài sản phải được lập biên bản ghi rõ loại tài sản, tình trạng tài sản, giờ, ngày, tháng, năm giao; họ, tên Chấp hành viên, đương sự, người được giao bảo quản, người làm chứng, nếu có; quyền, nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản và có chữ ký của các bên. Trường hợp có người từ chối ký thì phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

Bước 5: Trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ

Trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng.   

-Người ra quyết định: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự

– Sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, Chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản.

– Người đến nhận xuất trình các giấy tờ chứng minh là người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ hoặc là người được người đó ủy quyền.

– Người đến nhận kiểm tra về số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản, giấy tờ bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của thủ kho cơ quan thi hành án dân sự hoặc người được giao bảo quản.

-Việc trả lại tài sản, giấy tờ phải lập thành biên bản.

-Trường hợp trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ mà đương sự không nhận thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý theo quy định tại Khoản 2, 3 và 4 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014.

4.3 Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp tạm dừng quyền đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản:

Bước 1: Xác định thông tin tài sản và hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

-Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản.

-Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Ra quyết định áp dụng biện pháp tạm dừng quyền đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác trong trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

Lưu ý: Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.

Bước 3: Thực hiện quyết định tạm dừng quyền đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

Kể từ thời điểm nhận được quyết định về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản, cơ quan đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không được thực hiện việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng hoặc thay đổi hiện trạng tài sản cho đến khi nhận được quyết định của Chấp hành viên về chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

Trên đây là những giải đáp về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *