Cưỡng chế thi hành án dân sự, các biện pháp cưỡng chế

Thực tế có nhiều bị đơn không thực hiện theo quyết định của Tòa án và còn sử dụng nhiều biện pháp để cản trở việc thi hành án. Do đó cơ quan thi hành án phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Vậy cưỡng chế thi hành án là gì và gồm những biện pháp nào?

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giải đáp câu hỏi trên theo quy định của pháp luật.

1.Cơ sở pháp lý

Luật thi hành án dân sự 2015

2.Thi hành án dân sự là gì? 

Căn cứ theo Điều 1 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi 2014) có thể hiểu thi hành án dân sự là trình tự, thủ tục thi hành:

– Bản án, quyết định dân sự;

– Hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự;

– Phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án;

– Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản;

– Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành;

– Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.

3.Cưỡng chế thi hành án là gì?

Cưỡng chế thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền, dùng quyền lực của mình để đảm bảo việc thi hành trên thực tế quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong quyết định, bản án được thi hành theo thủ tục thi hành án.

4.Căn cứ cưỡng chế thi hành án

Điều 70 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định căn cứ để cưỡng chế thi hành án bao gồm:

– Bản án, quyết định;

– Quyết định thi hành án;

– Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.

5.Khi nào áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Theo quy định tại Điều 46 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật thi hành án dân sự 2008 người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

Trong đó: Khoản 1 điều 45 luật thi hành án dân sự 2008 quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án như sau: Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án”

Lưu ý: Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định

  1. Biện pháp cưỡng chế thi hành án

Biện pháp cưỡng chế thi hành án quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008, bao gồm:

6.1 Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án. 

– Số tiền khấu trừ không được vượt quá nghĩa vụ thi hành án và chi phí cưỡng chế. 

– Trường hợp đối tượng bị cưỡng chế có mở tài khoản tiền gửi tại nhiều Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác nhau thì chấp hành viên căn cứ số dư tài khoản để quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản đối với một tài khoản hoặc nhiều tài khoản để đảm bảo thu đủ tiền phải thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án. 

6.2 Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

– Khấu trừ vào các khoản như: tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác. 

– Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp: Theo thỏa thuận của đương sự; Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án. 

– Mức khấu trừ không được vượt quá 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác.

– Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật

6.3 Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

Khi phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án, chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân đang phải trả tiền, tài sản cho người phải thi hành án mà khoản tiền tài sản đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì chấp hành viên yêu cầu tổ chức, cá nhân đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan thi hành án để thi hành án.

6.4 Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

– Áp dụng trong trường hợp tài sản của người phải thi hành án có giá trị quá lớn so với nghĩa vụ phải thi hành và tài sản đó có thể khai thác để thi hành án hoặc người được thi hành án đồng ý cưỡng chế khai thác tài sản để thi hành án nếu việc khai thác tài sản không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. 

– Tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế khai thác: Tài sản mà người phải thi hành án đang trực tiếp khai thác hoặc cho người khác khai thác thì người đang khai thác được tiếp tục khai thác; Trường hợp tài sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất mà chưa khai thác thì chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án ký hợp đồng khai thác tài sản với tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác.

6.5 Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng trả vật, quyền tài sản, giấy tờ cho người được thi hành án; nếu người đó không thi hành thì chấp hành viên thu hồi vật để trả cho người được thi hành án

6.6 Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

-Trường hợp thi hành nghĩa vụ phải thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định mà người phải thi hành án không thực hiện thì chấp hành viên quyết 15 định phạt tiền và ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

-Người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt việc thực hiện công việc mà theo bản án, quyết định không được thực hiện thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người đó, trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu họ khôi phục hiện trạng ban đầu. Trường hợp người đó vẫn không chấm dứt công việc không được làm, không khôi phục lại hiện trạng ban đầu thì chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Trên đây là những giải đáp về cưỡng chế thi hành án và các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *