Trả lương thông qua người cai thầu theo quy định pháp luật

Trường hợp người cai thầu không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ cho người lao động, thì người sử dụng lao động là chủ chính có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động. Vây Bộ luật lao động đã có quy định về việc trả lương thông qua người cai thầu như thế nào? Trong bài viết dưới đây Winlegal sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.

1. Quy định về việc trả lương thông qua người cai thầu

Việc trả lương thông qua người cai thầu được quy định tại điều 100 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể như sau:

“1. Nơi nào sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ của những người này kèm theo danh sách những người lao động làm việc với họ và phải bảo đảm việc họ tuân thủ quy định của pháp luật về trả lương, an toàn, vệ sinh lao động.

2. Trường hợp người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi cho người lao động”.

Từ quy định được nêu ở trên có thể thấy nhiều trường hợp không nhất thiết người sử dụng lao động phải trực tiếp mà có thể gián tiếp sử dụng lao động thông qua người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự. Chính vì vậy, mà pháp luật đã có quy định về người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự sẽ đứng ra tổ chức, quản lý lao động và thực hiện việc trả lương cũng như bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng có quy định về phí của người cai thầu hoặc người trung gian trong quá trình tiến hành trả lương cho người lao động, hay thực hiện quản lý đối với người lao động thay cho người sử dụng lao động, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc trả lương theo như quy định của pháp luật hiện hành.

2. Trường hợp người sử dụng lao động trả lương thông qua người cai thầu

Ở bất kỳ nơi nào khi người sử dụng lao động có sử dụng cai thầu hoặc người trung gian thực hiện công việc ngang bằng với cai thầu thì người cai thầu hoặc người trung gian cũng có thể thực hiện trả lương cho người lao động, nhưng người sử dụng lao động muốn sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì cần phải đảm bảo các điều kiện sau:

Một là, người sử dụng lao động phải có được danh sách và địa chỉ của những người cai thầu.

Hai là, người sử dụng lao động phải có được danh sách và thông tin cơ bản của những người lao động làm việc với người cai thầu.

Để đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động thì người sử dụng lao động cần nắm bắt thông tin này và có ý nghĩa rất lớn đối với cả người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, để tránh các trường hợp người cai thầu hoặc người trung gian lập danh sách giả về người lao động, thêm, bớt tên người lao động để hưởng lợi hoặc lập danh sách giả về tên, địa chỉ, thông tin của mình nhằm lừa đảo người sử dụng lao động cho nên người sử dụng lao động phải có được các thông tin cần thiết và xác thực các thông tin đó để biết được số tiền lương mình phải trả cho đúng người lao động.

3. Xử lý trong trường hợp người cai thầu có hành vi sai phạm

Trong trường hợp mà người cai thầu trục lợi từ phần lương của người lao động và không thực hiện đúng nghĩa vụ được giao thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu xử lý người cai thầu hoặc người trung gian với hành vi sai phạm của họ.

Sau khi người sử dụng lao động trả lương cho người lao động, người sử dụng lao động có thể xử lý theo 02 cách đối với người cai thầu hoặc người trung gian:

Một là, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người cai thầu hoặc người trung gian tự mình thực hiện việc đền bù vì sự thiếu trách nhiệm khi trả lương và đảm bảo quyền lợi cho người lao động về vấn đề an toàn vệ sinh lao động.

Hai là, người sử dụng lao động yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết tranh chấp lao động rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, vì vậy chỉ nên thực hiện cách xử lý này trong trong trường hợp người cai thầu không tự mình đền bù và không chịu trách nhiệm với người sử dụng lao động.

Trên đây là các quy định pháp luật về vấn đề trả lương thông qua người cai thầu. Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *