Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em ở nước ngoài

Trong phạm vi bài viết này công ty luật, Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ về thủ tục khai sinh cho trẻ em ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Thông tư số 07/2023/TT-BNG của Bộ Ngoại giao: Hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài

II. Đăng ký khai sinh là gì?

Đăng ký khai sinh là đăng kí sự kiện sinh (ra đời) cho đứa trẻ mới được sinh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sau khi đăng ký khai sinh xong thì sẽ được nhận giấy khai sinh. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của một người.

III. Thẩm quyền đăng ký giấy khai sinh cho trẻ em ở nước ngoài

Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi cha hoặc mẹ của trẻ em cư trú hoặc nơi trẻ em sinh ra thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại nước ngoài, chưa được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và thuộc một trong các trường hợp sau:

– Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;

– Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người không quốc tịch;

– Có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai;

– Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là công dân nước ngoài, cha và mẹ có văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con khi đăng ký khai sinh.

IV. Hồ sơ cần chuẩn bị

– Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu);

– Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, xác nhận về việc trẻ em được sinh ra và quan hệ mẹ – con. Trong trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

– Văn bản của cha mẹ thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài.

Trường hợp cha, mẹ không nộp hồ sơ trực tiếp thì chữ ký trên văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch phải được chứng thực hợp lệ.

– Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân trừ trường hợp cả cha, mẹ trẻ em đều là công dân Việt Nam, có số định danh cá nhân, đã đăng ký kết hôn hoặc ghi vào sổ việc đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Cơ quan đại diện đã kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

V. Thủ tục

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như trên

Bước 2: Nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện lãnh sự

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ lãnh sự có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ hồ sơ, đối chiếu các thông tin trong hồ sơ; nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và hợp lệ, cán bộ lãnh sự ghi nội dung khai sinh vào sổ đăng ký khai sinh; trình Thủ trưởng Cơ quan đại diện ký Giấy khai sinh. Việc trả kết quả hồ sơ đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Thông tư 07/2023/TT-BNG.

 Trường hợp Cơ quan đại diện sử dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung thì thực hiện việc tạo lập, cập nhật thông tin đăng ký khai sinh vào hệ thống và lấy Số định danh cá nhân cho người được đăng ký khai sinh trước khi thực hiện ghi vào Sổ đăng ký khai sinh, cấp Giấy khai sinh và trả kết quả cho người yêu cầu theo quy định.

Bước 4. Nhận kết quả

Lưu ý: Nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Điều 14 Luật Hộ tịch, khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Điều 6, Điều 29, Điều 31 Thông tư 04/2020/TT-BTP.

– Trường hợp chưa xác định được cha của trẻ thì họ, dân tộc, quê quán, của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, của người mẹ; phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống;

– Trường hợp vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì Cơ quan đại diện kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, con được thực hiện theo quy định tại (2), (3) và Điều 13, 14 Thông tư 07/2023/TT-BNG. Cơ quan đại diện cấp đồng thời Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con và Giấy khai sinh cho người yêu cầu;

– Trường hợp cha, mẹ chưa xác định được một số nội dung khai sinh (như dân tộc, quê quán) thì phần ghi tương ứng trong Giấy khai sinh, Sổ đăng ký khai sinh để trống.

– Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.

Trên đây là toàn bộ giải đáp về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: Ngày 20/03/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *