Thế nào là thực hiện công việc không có ủy quyền?

Thế nào là thực hiện công việc không có ủy quyền? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu hơn về thực hiện công việc không có ủy quyền theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật dân sự 2015

II. Thế nào là thực hiện công việc không có ủy quyền?

Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.

III. Căn cứ xác định công việc không có ủy quyền

– Người thực hiện công việc hoàn toàn tự nguyện khi thực hiện công việc:

Yêu cầu này có thể được hiểu rằng, việc thực hiện công việc đó không phải là nghĩa vụ bắt buộc của người thực hiện công việc, tức là họ muốn thì thực hiện, không muốn có thể không thực hiện. Về hậu quả pháp lý, họ có thực hiện hay không thì cũng không phải gánh chịu bất cứ chế tài nào. 

– Việc thực hiện công việc phải hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc:

Yêu cầu này được hiểu là tại thời điểm bắt đầu thực hiện công việc, người thực hiện công việc phải thể hiện ý chí thực hiện công việc nhằm mang lại lợi ích, hoặc ngăn chặn thiệt hại cho người có công việc.

– Người có công việc không biết hoặc biết mà không phản đối về việc thực hiện công việc.

Có nghĩa tại thời điểm công việc được thực hiện, người có công việc không biết người khác thực hiện công việc cho mình, hoặc có thể họ biết nhưng không phản đối việc thực hiện công việc đó.

– Việc thực hiện công việc phải thực sự cần thiết.

Mặc dù việc thực hiện công việc có thể mang lại lợi ích cho người có công việc, người có công việc có thể không phản đối, và người thực hiện công việc hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc, nhưng việc thực hiện công việc phải thực sự cần thiết. Sự cần thiết của việc thực hiện công việc thể hiện ở chỗ nếu công việc không được thực hiện kịp thời sẽ gây thiệt hại cho người có công việc.

IV. Nghĩa vụ thanh toán cho người thực hiện công việc không có ủy quyền

Nghĩa vụ thanh toán cho người thực hiện công việc không có ủy quyền như sau:

– Người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, 

Kể cả trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.

– Người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối.

V. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi thực hiện công việc không có ủy quyền

– Khi người thực hiện công việc không có ủy quyền cố ý gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện.

– Nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền do vô ý mà gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc, người đó có thể được giảm mức bồi thường.

VI. Trường hợp chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền

Việc chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền bao gồm các trường hợp như sau:

– Theo yêu cầu của người có công việc được thực hiện.

– Người có công việc được thực hiện, người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện tiếp nhận công việc.

– Người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc theo quy định tại khoản 5 Điều 575 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.

– Người thực hiện công việc không có ủy quyền chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân.

Trên đây là toàn bộ giải đáp về thực hiện công việc không có ủy quyền theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: Ngày 25/02/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *