Tạm ứng tiền lương theo quy định pháp luật

Tiền lương đóng một vai trò rất đặc biệt trong đời sống của người lao động. Chính vì vậy tiền lương được quy định trả theo định kỳ phù hợp với tình hình hoạt động của các đơn vị kinh doanh. Bên cạnh đó, quy định về tạm ứng tiền lương của người lao động cũng được pháp luật quy định rõ ràng. Vấn đề này được quy định cụ thể như thế nào? Mời quý độc giả đón đọc trong bài viết dưới đây.

I. Các quy định về tạm ứng tiền lương

1. Tạm ứng tiền lương là gì?

Người lao động tạm ứng tiền lương được hiểu là nhận một phần hoặc toàn bộ tiền lương trước thời hạn thanh toán lương theo quy định.

2. Các quy định của pháp luật về tạm ứng tiền lương

Theo Điều 101 Bộ luật Lao động năm 2019, tạm ứng tiền lương được quy định như sau:

“1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.”

Từ quy định được nêu ở trên tại Điều 101 Bộ luật này thì việc tạm ứng tiền lương cho người lao động được thực hiện trên cơ sở kết quả thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động hoặc phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về việc tạm ứng lương này.

II. Các trường hợp tạm ứng tiền lương

1. Hưởng lương theo sản phẩm, khoán và làm công việc trong nhiều tháng

Người lao động hưởng theo sản phẩm, khoán thông thường được hưởng tiền lương sau khi hoàn thành số lượng sản phẩm hoặc công việc nhất định. Nhưng khi việc sản xuất sản phẩm, thực hiện công việc diễn ra trong thời gian dài, nhiều tháng, nếu thực hiện xong công việc của mình người lao động mới nhận được tiền lương thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng trang trải cuộc sống của người lao động, cũng như làm mất niềm tin của người lao động đối với người sử dụng lao động do người lao động luôn lo sợ người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ trả lương cho mình.

Vì vậy, pháp luật quy định mỗi tháng người sử dụng lao động phải thực hiện tạm ứng lương, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

2. Trường hợp tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân

Nghĩa vụ công dân ở đây được hiểu là những công việc mà công dân bắt buộc phải tham gia thực hiện. Một số ví dụ có thể kể đến như: đi nghĩa vụ quân sự, tham gia bầu cử, trách nhiệm trong lao động,…

Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương cho người lao động tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nhưng người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Khoản tiền lương tạm ứng này là khoản tiền lương đảm bảo, khuyến khích cho người lao động tập trung thực hiện nghĩa vụ công dân. Tuy nhiên, thời gian người lao động thực hiện nghĩa vụ công dân không phải thời gian làm việc hương lương (Theo Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP) hay thời gian nghỉ được hưởng lương. Vì vậy, sau khi thực hiện xong nghĩa vụ công dân, người lao động phải thực hiện hoàn trả tiền lương tạm ứng cho người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 vì khi nhập ngũ, người lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và không được hưởng lương, đồng thời người lao động thực hiện nghĩa vụ công dân trong thời gian dài và chịu sự quản lý, giám sát của Nhà nước, các chi phí sinh hoạt của người lao động khi nhập ngũ không do người lao động chi trả nên việc tạm ứng tiền lương không còn ý nghĩa hỗ trợ nữa.

3. Người lao động nghỉ hàng năm

Người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ khi người lao động nghỉ hằng năm. Người lao động được hưởng nguyên lương khi nghỉ hằng năm (Theo Điều 113 Bộ luật lao động năm 2019). Quy định này hợp lý vì các ngày nghỉ hằng năm của người lao động thường được sử dụng để thực hiện các công việc riêng, công việc cá nhân nên người lao động cần có các khoản tiền để sử dụng trong các ngày này. Ngoài tiền lương thông thường, việc tạm ứng tiền lương khi người lao động nghỉ hằng năm cũng là một phương thức hỗ trợ đối với người lao động.

4, Người lao động bị tạm đình chỉ công việc

Người lao động trong thời gian tạm đình chỉ được tạm ứng 50% lương trước khi người lao động bị đình chỉ.

Thời gian bị tạm đình chỉ của người lao động là không quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không quá 90 ngày. Trong thời gian này, hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động vẫn có hiệu lực. Sau khi hết thời hạn tạm đình chỉ, người lao động vẫn tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động. Vì vậy, thời gian tạm đình chỉ này, người lao động vẫn được hưởng lương nhưng chỉ bằng 50% mức lương trước khi bị đình chỉ nhằm đảm bảo cho người lao động vẫn có thu nhập để chi tiêu cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, người sử dụng lao động phải tạm ứng khoản tiền này cho người lao động.

5. Người lao động tạm ứng tiền lương theo thỏa thuận

Người lao động có thể tạm ứng tiền lương từ người sử dụng lao động nếu đáp ứng các điều kiện mà hai bên đã thỏa thuận từ trước.

Mức tiền tạm ứng cũng sẽ do hai bên thương lượng với nhau. Người lao động có thể căn cứ vào hiệu quả công việc, hoàn cảnh kinh tế cũng như sự cần thiết về việc tạm ứng tiền lương của người lao động để xem xét và giải quyết cho người lao động.

III. Cách tính lương được tạm ứng

Tiền lương tạm ứng = số ngày tạm ứng * tiền lương

Trong đó:

  • Số ngày tạm ứng sẽ phụ thuộc vào trường hợp cụ thể;
  • Tiền lương làm căn cứ để tạm ứng cho người lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi người lao đông rơi vào tình trạng tạm thời nghỉ.

Người lao động làm việc và hưởng lương theo sản phẩm, khoán và làm công việc trong nhiều tháng

Để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng lao động, khoản 3 Điều 97 Bộ luật lao động năm 2019 mức lương tạm ứng sẽ phụ thuộc vào khối lượng, số lượng công việc người lao động đã làm trong tháng. Và theo cách người lao động, làm nhiều ứng nhiều, làm ít ứng ít.

Trên đây là những quy định pháp luật về vấn đề tạm ứng tiền lương của người lao động. Mọi thắc mắc quý độc giả xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *