Những hành vi bị cấm đối với đất đai

Trong phạm vi bài viết này, công ty Luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về các hành vi bị cấm đối với đất đai theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Luật đất đai 2013
  • Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
  • Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai

II. Những hành vi bị cấm đối với đất đai

Theo Điều 12 Luật Đất đai năm 2013, những hành vi bị nghiêm cấm gồm:

1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.

Theo khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Căn cứ Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, hành vi hủy hoại đất bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

– Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất

+ Dưới 0,05 héc ta: Phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng

+ Từ 0,05 đến dưới 0,1 héc ta: Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng

+ Từ 0,1 đến dưới 0,5 héc ta: Phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng

+ Từ 0,5 đến dưới 01 héc ta: Phạt tiền từ 30 – 60 triệu đồng

+ Từ 01 héc ta trở lên: Phạt tiền từ 60 – 150 triệu đồng

Biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài việc bị phạt tiền thì buộc người có hành vi hủy hoại đất khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

– Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.

Việc thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố tại địa phương góp phần sử dụng đất có hiệu quả và đảm bảo quản lý thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền. Chính vì vậy, việc vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình quản lý và sử dụng đất.

3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.

Theo quy định tại Điều 6 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích. Nếu muốn chuyển mục đích sử dụng trong một số trường hợp phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.

Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai năm 2013;

– Đất không có tranh chấp;

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

– Trong thời hạn sử dụng đất.

Ngoài ra khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện khác như: 

+ Điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm quy định tại Điều 189 Luật Đất đai năm 2013

+ Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất theo Điều 191 Luật Đất đai năm 2013

5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Nếu không đăng ký sẽ vi phạm pháp luật và việc chuyển đổi, chuyển nhượng đó không có hiệu lực.

7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người sử dụng cần phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan đến đất đai và lệ phí trước bạ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nếu người sử dụng đất không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính là hành vi vi phạm và không được nhận kết quả thực hiện thủ tục hành chính.

8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là việc sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm.

Lạm dung chức vụ, quyền hạn là việc người phạm tội thực hiện những công việc vượt quá quyền hạn, trách nhiệm của họ.

Những cá nhân, tổ chức sau không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai: 

– Người đứng đầu tổ chức, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

– Cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính cấp xã (xã, phường, thị trấn) như: Công chức thuộc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, cán bộ, công chức thuộc Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương)…

– Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc cụ thể:

+ Tổ chức được giao quản lý công trình công cộng, gồm: Công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình thủy lợi, đê, đập; quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm;

+ Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư;

+ Tổ chức được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng;

+ Tổ chức được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.

Việc cung cấp thông tin không chính xác thể hiện việc làm gian dối, sai lệch trong vấn đề quản lý của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, đây được xem là hành vi bị nghiêm cấm trong việc sử dụng đất là hoàn toàn phù hợp.

10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác là việc cố tình gây rối, không cung cấp thông tin hoặc cố tình gây khó khăn cho quyền sử dụng đất của người khác. Theo đó nếu thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác. 

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

Đây là những hành vị bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai. Những cá nhân, tổ chức có liên quan cần lưu tránh vi phạm những điều cấm này.

Trên đây là những giải đáp về những hành vi bị cấm đối với đất đai theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 30/12/2023

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *