Người được hưởng án treo có được rời khỏi nơi cư trú

Trong thời gian thử thách người được hưởng án treo có được rời khỏi nơi cư trú hay không? Trong phạm vi bài viết này công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi trên theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật hình sự 2015
  •  Luật Thi hành án hình sự 2019
  • Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 
  • Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo

II. Khái niệm án treo

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù. (Theo Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP).

Như vậy, án treo không phải là một hình phạt một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, áp dụng cho người bị kết án phạt tù không quá 03 năm.

Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 thì khi người phạm tội được hưởng án treo thì sẽ có thêm thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của luật thi hành án hình sự.

+ Nếu trong thời gian thử thách người phạm tội chấp hành tốt thì có thể được xem xét giảm thời gian thử thách.

+ Nếu trong thời gian thử thách người phạm tội cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2 lần trở lên, tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. 

Ngoài ra trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án.

III. Người được hưởng án treo có được đi ra khỏi nơi cư trú không?

Theo quy định tại Khoản 1, khoản 2 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì Người được hưởng án treo có thể đi khỏi nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép cũng như thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú.

– Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá 1/3 thời gian thử thách (trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế và có xác nhận về việc điều trị).

Để người phạm tội được đi khỏi nơi cư trú thì cấn tiến hành thủ tục xin phép khi người hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú như sau:

Bước 1: Người được hưởng án treo làm đơn xin phép và phải được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục.

Bước 2: Trình báo với Công an cấp xã nơi đến tạm trú, lưu trú mới. Trong đó:

+ Khi hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú.

+ Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.

IV. Một số câu hỏi khác liên quan đến người phạm tội được hưởng án treo

Câu 1: Người được hưởng án treo có được đi làm không?

 Điều 88, Luật Thi hành án Hình sự 2019 có quy định về việc lao động, học tập của người được hưởng án treo như sau:

“Việc lao động, học tập của người được hưởng án treo

1.Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người lao động nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức thì được bố trí công việc bảo đảm yêu cầu giám sát, giáo dục, được hưởng tiền lương và chế độ khác phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ theo quy định của pháp luật.

2.Người được hưởng án treo được cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận học tập thì được hưởng quyền lợi theo quy chế của cơ sở đó.

3.Người được hưởng án treo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều này thì được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú tạo điều kiện tìm việc làm.

4.Người được hưởng án treo thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, người đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật.”

Tại Điều 41, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định như sau:

“Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định

Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.”

Như vậy, người bị án treo vẫn được đi làm. Tuy nhiên trong trường hợp người bị kết án nếu đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó có thể gây nguy hại cho xã hội thì có thể bị cấm trong thời hạn từ 01- 05 năm.

Câu 2: Người phạm tội được hưởng án treo có được xuất cảnh

Khoản 2 Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định: ” Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.”

Như vậy, người được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách sẽ không được xuất cảnh ra nước ngoài.

Trên đây là những giải đáp về người phạm tội được hưởng án treo có được rời khỏi nơi cư trú và một số câu hỏi khác liên quan đến người được hưởng án treo

theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 18/01/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *