Người chưa thành niên gây thiệt hại ai sẽ là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Trong phạm vi bài viết này, công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn giải đáp vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra theo quy định của pháp luật.
Mục lục
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015
II. Người chưa thành niên là gì?
Theo Điều 18 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”.
– Người chưa thành niên được chia thành 03 nhóm:
+ Người chưa đủ sáu tuổi: Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
+ Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi: Khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
+ Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi: Tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
III. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
– Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
– Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
– Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
– Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
IV. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra
Theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
– Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường thiệt hại. Người chưa đủ 15 tuổi được xác định là không có khả năng chịu trách nhiệm bồi thường. Hơn nữa, bản thân họ vẫn chịu sự giám sát quản lý của cha mẹ nên khi họ gây thiệt hại, cha mẹ được xem là có lỗi trong việc quản lý (lỗi suy đoán) nên cha mẹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu tài sản của cha mẹ không đủ mà con có tài sản riêng thì cha mẹ được lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì bản thân họ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được xác định là có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường, đồng thời người trong độ tuổi này có thể tham gia ký kết một số hợp đồng, giao dịch dân sự (bao gồm cả hợp đồng lao động). Tuy nhiên, nếu người gây thiệt hại không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
– Trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại mà có người giám hộ thì sẽ xử lý như sau:
+ Nếu người được giám hộ có đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường;
+ Nếu người được giám hộ không có hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình.
+ Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản để bồi thường.
V. Một số câu hỏi khác liên quan
Câu 1: Người chưa thành niên gây thiệt hại trong thời gian trường học trực tiếp quản lý, ai phải bồi thường?
Theo quy định tại điều Điều 599 Bộ luật Dân sự 2015 thì trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà người chưa đủ 15 tuổi gây ra thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra, trừ trường hợp chứng minh không có lỗi trong quản lý. Trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi phải bồi thường.
Câu 2: Người chưa thành niên gây ra thiệt hại không phải bồi thường trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì người chưa thành niên gây ra thiệt hại không phải bồi thường trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Câu 3: Người chưa thành niên gây ra thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường hay không?
Theo quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 thì Người chưa thành niên gây ra thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Trên đây là những giải đáp về câu hỏi người chưa thành niên gây thiệt hại ai là người có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My
Ngày xuất bản: 05/12/2023