Khi tham gia quan hệ lao động, người lao động được người sử dụng lao động giao quản lý, sử dụng tài sản phù hợp với yêu cầu công việc và trình độ, khả năng để thực hiện nghĩa vụ lao động. Người lao động phải có trách nhiệm bảo quản, sử dụng tốt các tài sản đó. Nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản đó thì người lao động có thể không những bị xử lí kỷ luật lao động mà còn phải bồi thường thiệt hại vật vất cho người sử dụng lao động. Vậy bồi thường thiệt hại quan hệ lao động được hiểu như thế nào? Mức bồi thường và nguyên tắc bồi thường cụ thể ra sao? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.
CƠ SỞ PHÁP LÝ:
– Bộ luật Lao động năm 2019
I. Bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động là gì
Trong quan hệ lao động, bồi thường thiệt hại vật chất là nghĩa vụ của người lao động phải bồi thường những thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động do hành vi vi phạm kỷ luật lao động hoặc vi phạm hợp đồng trách nhiệm gây ra.
II. Mức bồi thường, nguyên tắc bồi thường
1. Mức bồi thường
Sự khác nhau cơ bản giữa trách nhiệm vật chất trong luật lao động và trách nhiệm bồi thường dân sự chính là ở mức bồi thường, cách thức bồi thường và thủ tục xử lý. Mức bồi thường trách nhiệm vật chất trong luật lao động thường “nhẹ” hơn so với trách nhiệm bồi thường dân sự. Nếu bồi thường theo trách nhiệm dân sự, người bồi thường sẽ phải bồi thường cả thiệt hại trực tiếp và cả thiệt hại gián tiếp thì ở trách nhiệm vật chất trong luật lao động, người lao động chỉ phải bồi thường thiệt hại trực tiếp và trong một số trường hợp người lao động chỉ phải bồi thường ở mức độ nhất định. Vì vậy, người ta còn gọi đây là trách nhiệm bồi thường “hạn chế”.
Mức bồi thường cụ thể được xác định theo hình thức của sự thiệt hại được quy định tại điều 129 Bộ luật lao động năm 2019. Cụ thể:
- Đối với trường hợp nếu như người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với lỗi vô ý với giá trị tài sản bị thiệt hại không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định thì người lao động chỉ phải bồi thường ở mức nhiều nhất là 3 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của người lao động thì luật quy định cách bồi thường là khấu trừ hằng tháng vào tiền lương với mức không quá 30% tiền lương tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản khác liên quan như bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cá nhân.
- Đối với trường hợp người lao động làm mất công cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động thì nếu như trong hợp đồng lao động có điều chỉnh về trách nhiệm của người lao động khi làm mất công cụ thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động thì người lao động sẽ phải bồi thường theo cam kết đó. Những điều khoản cam kết này thể hiện trách nhiệm của người lao động khi công việc của họ có liên quan đến những tài sản có giá trị tương đối lớn. Và mức bồi thường cũng như cách thức bồi thường sẽ do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu như hai bên không thống nhất với nhau trong hợp đồng thì đối với các tài sản, công cụ thiết bị bị mất thì phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ theo giá thị trường.
Như vậy nếu người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Theo Điều 130 Bộ luật lao động năm 2019, về nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong quan hệ lao động, thì việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người sử dụng lao động. Quy trình, thủ tục bồi thường thiệt hại sẽ tuân theo quy định pháp luật.
Trên đây là quy định pháp luật về mức bồi thường và nguyên tắc bồi thường thiệt hại đối với người lao động khi gây ra thiệt hại trong quá trình lao động. Mọi thông tin cần tư vấn vui lòng liên hệ về:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo Ly
Ngày xuất bản: 28/10/2023