Lương ngừng việc năm 2023 theo quy định pháp luật

Trong quá trình kinh doanh, sản xuất để tạo giá trị thặng dư cho xã hội, người sử dụng lao động luôn yêu cầu người lao động phải đảm bảo thời gian lao động một thường xuyên, duy trì mối quan hệ lao động trong một thời gian dài. Tuy nhiên, một số sự cố trong sản xuất có thể khiến cho người lao động buộc phải ngừng việc. Tại sao phải quy định về lương ngừng việc? Lương ngừng việc của người lao động được tính thế nào? WINLEGAL sẽ giải thích cho bạn trong bài viết dưới đây.

I.  Lương ngừng việc

1. Lương ngừng việc là gì

Khi xem xét giải thích khái niệm “lương ngừng việc”, trước hết, cần hiểu tiền lương là gì?

Theo Khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

“Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”

Về nguyên tắc, theo Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP lương ngừng việc được tính đến trong trường hợp ngừng việc tạm thời và xảy ra trong các trường hợp không phải do lỗi của người lao động, nếu do lỗi của người lao động họ sẽ không được trả lương.

Lương ngừng việc có thể hiểu là số tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khi người lao động phải ngừng việc trong một số trường hợp đặc biệt, theo hợp đồng lao động trước đó hoặc theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.

2.Tại sao phải quy định về lương ngừng việc

Thứ nhất, việc quy định về lương ngừng việc thể hiện sự tiến bộ trong quan điểm lập pháp về lao động của Việt Nam.

Thứ hai, quy định về tiền lương ngừng việc nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người lao động được hưởng quyền, là căn cứ để xử lý vi phạm đối với người sử dụng lao động.

Thứ ba, tiền lương ngừng việc là khoản tiền đảm bảo được mức sống tối thiểu trong thời gian người lao động không làm việc được do yếu tố khách quan, điều đó sẽ không làm mất đi ý nghĩa cơ bản của tiền lương là nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bản thân và gia đình người lao động.

Bên cạnh đó, tiền lương ngừng việc còn là cách để người sử dụng lao động “giữ chân” người lao động, kích thích người lao động quay trở lại làm việc với tài năng, sức sáng tạo và tăng năng suất lao động.

II. Các trường hợp ngừng việc theo quy định của pháp luật

Các trường hợp trường hợp ngừng việc người lao động được trả tiền lương như sau được quy định theo Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể:

Trường hợp 1: Do lỗi của người sử dụng lao động.

  • Trong trường hợp này, người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
  • Lỗi của người sử dụng lao động ví dụ như người sử dụng lao động cho ngừng việc để cải tạo, sửa chữa địa điểm làm việc; với hợp đồng mà người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc,…
  • Tiền lương theo hợp đồng lao động là tiền lương được thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, là nội dung bắt buộc trong mọi hợp đồng lao động.

Trường hợp 2:  Do lỗi của người lao động, những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc:

  • Trong trường hợp do lỗi của người lao động thì họ không được trả lương, điều này hoàn toàn hợp lý, bởi sự ngừng việc này xuất phát từ ý chí chủ quan, sự lựa chọn của người lao động trong quan hệ lao động, điển hình là người lao động tổ chức đình công.
  • Những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc, chẳng hạn: theo quy định tại Khoản 1 Điều 207 Bộ luật lao động 2019: “Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật này và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.”. Trong trường hợp này, người lao động được trả lương theo thỏa thuận, nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu do Chính phủ quy định, thông thường các bên cũng lựa chọn lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp 3: Các nguyên nhân khách quan khác

Sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do sự kiện bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hay di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế. Có thể hiểu lý do kinh tế như sự khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế; thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.

Đây là những yếu tố mà cả phía người sử dụng lao động và người lao động không mong muốn nhưng không có cách nào khác để thay đổi, nằm ngoài tầm kiểm soát của người sử dụng lao động. Vì vậy, cách tính lương ngừng việc trong trường hợp này khác với hai trường hợp trên, đảm bảo được lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động:

  • Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Đây là khoảng thời gian khá ngắn, vì vậy mà việc người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khoản tiền lương cao hơn mức lương tối thiểu nhằm giúp người lao động đảm bảo được điều kiện sống tối thiểu trong thời gian này.
  • Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu. Như đã nói ở trên, đây là trường hợp mà người sử dụng lao động bất khả kháng, do vậy pháp luật cho phép hai bên thỏa thuận tiền lương, trong đó đặc biệt là có thể thấp hơn tiền lương tối thiểu sau 14 ngày.

Như vậy, để đảm bảo lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ lao động hài hòa với lợi ích của Nhà nước, pháp luật lao động đã quy định một cách linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, đảm bảo được nguyên tắc “tự thỏa thuận” trong một quan hệ mang bản chất dân sự như lao động.

III. Cách xác định tiền lương chi trả cho người lao động ngừng việc

1. Cách xác định tiền lương

Tiền lương ngừng việc = số ngày ngừng việc * tiền lương

Trong đó: Tiền lương làm căn cứ tính tiền lương ngừng việc là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động khi người lao động ngừng việc.

Có thể thấy, đối với trường hợp người sử dụng lao động ngừng việc với người lao động do lỗi của bên người sử dụng hay do yếu tố khách quan thì thời gian ngừng việc được tính trong thời gian làm việc của người lao động.

Trên đây là những quy định của pháp luật về vấn đề lương ngừng việc của người lao động. Quý độc giả có thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo Ly

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *