Điều kiện để được công nhận là một pháp nhân

Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về pháp nhân cũng như điều kiện để được công nhận là một pháp nhân theo quy định của pháp luật.

I. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật dân sự 2015

II. Pháp nhân là gì?

Pháp luật dân sự không đưa ra khái niệm thế nào là pháp nhân. Qua các văn bản pháp luật đã ban hành và tính chất chủ thể trong các quan hệ dân sự, kinh tế có thể đưa ra khái niệm pháp nhân như sau: Pháp nhân là một tổ chức thống nhất, độc lập, hợp pháp có tài sản riêng và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Có thể thấy chỉ có tổ chức mới có tư cách pháp nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện luật định. Còn cá nhân sẽ không có tư cách pháp nhân.

III. Phân loại pháp nhân

1. Pháp nhân thương mại

Theo Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân thương mại là pháp nhân được thành lập với mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại hiện bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

2. Pháp nhân phi thương mại

Căn cứ Điều 76 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp nhân phi thương mại là pháp nhân được thành lập không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

Hiện nay, pháp nhân phi thương mại bao gồm:

– Cơ quan nhà nước.

– Đơn vị vũ trang nhân dân.

– Tổ chức chính trị.

– Tổ chức chính trị – xã hội.

– Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp.

– Tổ chức xã hội.

– Tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

– Quỹ xã hội.

– Quỹ từ thiện.

– Doanh nghiệp xã hội.

– Các tổ chức phi thương mại khác.

IV. Điều kiện để được công nhận là pháp nhân

Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi đáp ứng đủ 04 điều kiện sau đây:

–  Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan.

Tức là phải được thành lập một cách hợp pháp. Một tổ chức được coi là hợp pháp nếu có mục đích, nhiệm vụ hợp pháp và được thành lập hợp pháp theo trình tự và thủ tục do luật định.

– Có cơ cấu tổ chức:

+ Có cơ quan điều hành: Việc tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành phải được quy định trong điều lệ hoặc quyết định thành lập pháp nhân.

+ Có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức chặt chẽ nhằm biến một tập thể người thành một thể thống nhất (một chủ thể) có khả năng thực hiện có hiệu quả nhất nhiệm vụ của tổ chức đó đặt ra khi thành lập.

– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của pháp nhân.

Tài sản riêng của pháp nhân không chỉ là tài sản thuộc sở hữu của pháp nhân (như đối với các công ty, các hợp tác xã dù nguồn vốn hình thành có thể khác nhau…) mà có thể được Nhà nước giao cho tổ chức được quyền quản lý của pháp nhân đó. Tài sản của pháp nhân độc lập với tài sản của cá nhân – thành viên của pháp nhân, độc lập với cơ quan cấp trên của pháp nhân và các tổ chức khác. 

– Tổ chức nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Với tư cách là một chủ thể độc lập, pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật với tư cách riêng, có khả năng hưởng quyền và gánh chịu các nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định phù hợp với điều lệ của pháp nhân. 

V. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân

 Trách nhiệm dân sự của pháp nhân như sau:

–  Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự đối với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

– Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự đối với nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện trong việc thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

– Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không phải chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân nếu nghĩa vụ dân sự do người đó xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ luật có quy định khác.

– Người của pháp nhân không phải chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ luật có quy định khác.

VI. Quốc tịch của pháp nhân được xác định thế nào?

Điều 80 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về quốc tịch của pháp nhân như sau:

“Điều 80. Quốc tịch của pháp nhân

Pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam.”

Như vậy, pháp nhân được thành lập theo các quy định của pháp luật Việt Nam sẽ mang quốc Tịch Việt Nam.

Ngoài ra nếu pháp nhân được thành lập ở nước nào thì quốc tịch của pháp nhân sẽ được xác định theo pháp luật nước đó. 

VII. Đại diện của pháp nhân

Theo Điều 85 Bộ luật Dân sự năm 2015, đại diện của pháp nhân bao gồm đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.

Trong đó, đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

– Người được pháp nhân chỉ định tại điều lệ của pháp nhân.

– Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật.

– Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Ngoài ra, pháp nhân cũng có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thay mình.

VIII.Tài sản của pháp nhân bao gồm những gì?

Theo Điều 81 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, sáng lập viên, thành viên của pháp nhân và tài sản khác mà pháp nhân được xác lập quyền sở hữu theo Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Căn cứ Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác mà có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Trên đây là những giải đáp về điều kiện để được công nhận là pháp nhân theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Thảo My

Ngày xuất bản: 23/01/2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *