Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Pháp luật Việt Nam quy định những chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với pháp nhân thương mại về các hành vi vi phạm, tuy nhiên trên thực tế những chế tài hành chính chưa đủ sức để răn đe, thủ tục kiện đòi bồi thường thiệt hại của người dân của đối pháp nhân thương mại phức tạp như nghĩa vụ về chứng minh, nguyên nhân và mức độ thiệt hại do các hành vi của pháp nhân gây ra hoặc quy định về án phí dân sự. Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi đủ điều kiện chịu trách nhiệm.

  • Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Hình phạt chính bao gồm:

+ Phạt tiền;

+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

+ Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Hình phạt bổ sung bao gồm:

+ Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;

+ Cấm huy động vốn;

+ Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

  • Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

+ Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

+ Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

+ Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này

Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Theo đó, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Việc thực hiện hành vi phạm tội phải do người đứng đầu pháp nhân thương mại (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền) hoặc các cá nhân là thành viên của pháp nhân thương mại đã nhân danh pháp nhân thương mại đó thực hiện.

Hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại có thể được thực hiện dưới các hình thức như: sử dụng danh nghĩa của pháp nhân; sử dụng con dấu của pháp nhân hoặc sử dụng nguồn vốn của pháp nhân…

– Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Người đứng đầu pháp nhân thương mại hoặc các cá nhân là thành viên của pháp nhân thương mại đó khi thực hiện hành vi phạm tội đều phải hướng đến mục đích là tìm kiếm lợi nhuận, lợi ích kinh tế, lợi ích vật chất cho pháp nhân thương mại của mình.

– Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Mọi chủ trương, kế hoạch, sự điều động cũng như hình thức và phương pháp thực hiện hành vi phạm tội đều được quyết định bởi sự quản lý, chỉ đạo điều hành hoặc chấp thuận của người đứng đầu pháp nhân thương mại. Hành vi chi đạo, điều hành hoặc chấp thuận của người đứng đầu pháp nhân thương mại có ý nghĩa quyết định đối với hành vi phạm tội đã thực hiện vì nếu không có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của người đứng đầu pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội của một hoặc một số thành viên của pháp nhân thương mại đã không được thực hiện.

-Thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Hình sự.

Một khi hội tụ đầy đủ các yếu tố nêu trên thì pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với tính chất, mức độ hành vi vi phạm. Khi xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại không loại trừ trách nhiệm hình sự của các cá nhân có liên quan. Dưới góc độ pháp lý, các cá nhân, pháp nhân khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội đều bình đẵng về quyền và nghĩa vụ, là hai thực thể hoàn toàn tách biệt nhau nên việc xem xét trách nhiệm hình sự của hai chủ thể này đối với cùng một hành vi là phù hợp.

Cho nên, quy định này rõ ràng giúp ngăn ngừa việc lợi dụng pháp nhân để thực hiện các hành vi phạm tội cũng như nâng cao trách nhiệm của các cá nhân đại diện khi quyết định một hành vi cụ thể.

Bài viết trên đây đã nói ngắn gọn về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066

Chuyên viên: Ms. Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *