Khi có bản án quyết định của Tòa phúc thẩm về một vụ án hình sự nhưng bạn vẫn không đồng ý với phán quyết đó thì bạn có được kháng cáo không? Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn giải đáp vấn đề trên theo quy định của pháp luật.
Mục lục
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015
2. Kháng cáo là gì?
Kháng cáo hình sự là quyền của bị hại, bị cáo, đương sự khi không đồng ý với bản án, khi xét thấy bản án quyết định chưa đảm bảo đúng quyền lợi của họ.
Những người có quyền kháng cáo bao gồm:
(1) Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
(2) Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
(3) Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
(4) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
(5) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
(6) Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
3. Thế nào là xét xử phúc thẩm trong tố tụng hình sự?
Theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
4. Có được kháng cáo bản án quyết định phúc thẩm hình sự không
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 355 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bên cạnh đó Khoản 2 Điều 27 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm có quy định:
“Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.”
Do đó, bản án phúc thẩm không thể bị kháng cáo mà chỉ có thể xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu có căn cứ theo Điều 371 và Điều 398 BLTTHS 2015.
Lưu ý: Bạn không thể yêu cầu thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm mà chỉ có những người có thẩm quyền mới có quyền kháng nghị yêu cầu Tòa án xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
-Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
+ Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.
+ Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
– Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
+ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
+ Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.
+ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Như vậy phán quyết của Tòa phúc thẩm là chung thẩm, bạn sẽ bắt buộc phải thực hiện theo mà không thể kháng cáo.
Trên đây là toàn bộ giải đáp về câu hỏi có được kháng cáo bản án phúc thẩm hình sự không theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My
Ngày xuất bản: Ngày 23/03/2024