Trường hợp nào thì thương nhân sẽ chấm dứt tư cách thành viên của Sở giao dịch hàng hóa. Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật Winlegal sẽ giúp các bạn giải đáp về các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của Sở giao dịch hàng hóa.
Mục lục
I. Cơ sở pháp lý
- Nghị định 158/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa
- Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung nghị định 158/2006/NĐ-CP
- Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
II. Trường hợp chấm dứt thành viên của Sở giao dịch hàng hóa
Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 158/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa thì thương nhân chấm dứt tư cách thành viên trong các trường hợp sau đây:
– Không còn đáp ứng đủ các điều kiện trở thành thành viên. Cụ thể là không đáp ứng được các điều kiện sau:
+ Đối với thành viên môi giới:
- Phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của luật doanh nghiệp
- Vốn pháp định từ 5 tỷ đồng trở lên
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải có bằng đại học, cử nhân trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tương bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định
- Các điều kiện khác theo quy định của Điều lệ hoạt động của sở giao dịch hàng hóa
+ Đối với thành viên kinh doanh:
- Phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của luật doanh nghiệp
- Vốn pháp định từ 75 tỷ đồng trở lên
- Các điều kiện khác theo quy định của Điều lệ hoạt động của sở giao dịch hàng hóa
– Giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.
– Tự đề nghị chấm dứt tư cách thành viên và được Sở Giao dịch hàng hóa chấp thuận theo quy định của Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.
– Có hành vi vi phạm là điều kiện chấm dứt tư cách thành viên theo quy định của Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa hoặc quy định của pháp luật.
III. Nghĩa cụ của thương nhân khi chấm dứt tư cách thành viên
Khi chấm dứt tư cách thành viên Sở Giao dịch hàng hóa, các thương nhận phải thực hiện các nghĩa vụ được quy định tại Điều 25 Nghị định 158/2006/NĐ-CP , cụ thể như sau:
– Thương nhân khi chấm dứt tư cách thành viên phải thông báo cho khách hàng về lý do chấm dứt tư cách thành viên và việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo uỷ thác của khách hàng.
– Trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại Nghị định này, Sở Giao dịch hàng hóa có quyền yêu cầu thành viên đó phải uỷ nhiệm cho thành viên khác thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Trường hợp thành viên bị chấm dứt không uỷ nhiệm được thì Sở Giao dịch hàng hóa có quyền chỉ định thành viên khác thực hiện.
– Thương nhân chấm dứt tư cách thành viên có nghĩa vụ chuyển giao các thông tin cần thiết về khách hàng cho thành viên nhận uỷ nhiệm hoặc được chỉ định.
– Sau khi việc uỷ nhiệm hoặc chỉ định thành viên thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều Điều 25 Nghị định 158/2006/NĐ-CP được thực hiện, tiền ký quỹ của khách hàng cho thành viên bị chấm dứt tư cách thành viên phải được chuyển thành tiền ký quỹ của khách hàng cho thành viên kinh doanh nhận uỷ nhiệm hoặc được chỉ định.
– Thương nhân chấm dứt tư cách thành viên phải trả phí thực hiện nghĩa vụ hợp đồng cho thương nhân mình uỷ nhiệm hoặc được Sở Giao dịch hàng hóa chỉ định theo quy định tại Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.
– Thương nhân khi chấm dứt tư cách thành viên phải thực hiện các nghĩa vụ đã phát sinh với khách hàng và các chủ thể khác liên quan đến hoạt động giao dịch của mình tại Sở Giao dịch hàng hóa, trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng thì phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật.
IV. Thương nhân khi chấm dứt tư cách thành viên sở giao dịch hàng hóa có phải thông báo cho khách hàng về lý do chấm dứt không?
– Căn cứ Khoản 1 Điều 25 Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định như sau:
“Thực hiện nghĩa vụ khi chấm dứt tư cách thành viên
- Thương nhân khi chấm dứt tư cách thành viên phải thông báo cho khách hàng về lý do chấm dứt tư cách thành viên và việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo uỷ thác của khách hàng.”
Như vậy, khi thương nhân chấm dứt tư cách thành viên Sở Giao dịch hàng hóa thì thương nhân phải thông báo cho khách hàng về lý do chấm dứt tư cách thành viên và việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng theo uỷ thác của khách hàng.
– Xử phạt vi phạm: Thương nhân chấm dứt tư cách thành viên không thông báo cho khách hàng về lý do chấm dứt sẽ bị xử phạt như sau:
Căn cứ khoản 3 Điều 77 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Hành vi vi phạm về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa
…
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với thành viên của sở giao dịch hàng hóa có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
d)Không thông báo cho khách hàng về lý do chấm dứt tư cách thành viên và việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng ủy thác của khách hàng;”
Lưu ý mức xử lý hành chính quy định tại khoản khoản 3 Điều 77 Nghị định 98/2020/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân, đối với thành viên của sở giao dịch hàng hóa (doanh nghiệp) mức xử phạt sẽ nhân 2 (theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Như vậy, thương nhân là thành viên của sở giao dịch hàng hóa chấm dứt tư cách thành viên không thông báo cho khách hàng về lý do chấm dứt tư cách thành viên sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
V. Sở Giao dịch hàng hóa có quyền cho phép thành viên đã bị chấm dứt tư cách thành viên thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua đơn vị này không?
– Căn cứ Điều 15 Nghị định 158/2006/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Nghị định 51/2018/NĐ-CP quy định như sau: “Chỉ định thành viên kinh doanh khác thực hiện các hợp đồng đang được nắm giữ bởi một thành viên kinh doanh bị chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.”
Theo đó, khi thương nhân chấm dứt tư cách thành viên, Sở Giao dịch hàng hóa phải chỉ định thành viên kinh doanh khác thực hiện các hợp đồng đang được nắm giữ bởi một thành viên kinh doanh bị chấm dứt tư cách thành viên mà không được để thành viên này tiếp tục thực hiện.
-Xử lý vi phạm: Nếu sở giao dịch vi phạm quy định trên thì sẽ bị xử phạt như sau:
Căn cứ khoản 8 Điều 77 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định:
“Hành vi vi phạm về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa
…
8.Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với sở giao dịch hàng hóa có một trong các hành vi vi phạm sau đây: đ) Cho phép thành viên đã bị chấm dứt tư cách thành viên tiếp tục thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa;”
Theo quy định trên, Sở Giao dịch hàng hóa cho phép thành viên đã bị chấm dứt tư cách thành viên thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua đơn vị này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trên đây giải đáp về chấm dứt tư cách thành viên của Sở giao dịch hàng hóa theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My
Ngày xuất bản: 12/11/2023