Thủ tục yêu cầu tòa án công bố một người mất tích

Trình tự, thủ tục tuyên bố một người là mất tích được tiến hành như thế nào? Một người biệt tích thời gian bao lâu thì những người có quyền và lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích. Hãy cùng Luật Winlegal tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Căn cứ pháp lý

2. Tại sao phải yêu cầu tuyên bố một người mất tích

  • Mất tích là việc một cá nhân vắng mặt tại nơi cư trú trong một khoảng thời gian (theo quy định của pháp luật) mà không rõ còn sống hay đã chết mà không có bất kỳ tin tức gì liên quan tới cá nhân đó.
  • Yêu cầu tuyên bố một người mất tích là việc người có quyền, lợi ích liên quan tùy trường hợp cụ thể, yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét ra “Quyết định tuyên bố một người mất tích” đối với một cá nhân cụ thể. Yêu cầu tuyên bố một người mất tích thường được thực hiện trong các trường hợp như thừa kế (người mất tích là đồng thừa kế); ly hôn (người mất tích là vợ hoặc chồng) trong đó việc tuyên bố mất tích không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng mà chỉ là căn cứ để Tòa án giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của một bên (khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014); người có tài sản nhưng mất tích và do người quản lý tài sản hoặc người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu,…

 3. Điều kiện yêu cầu tuyên bố một người mất tích

  • Theo Điều 68 Bộ luật dân sự 2015, khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan.
  • Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Xem thêm: Thủ tục yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án

4. Thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích

  • Thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích có nơi cư trú cuối cùng (khoản 3 Điều 27, điểm a khoản 2 Điều 35, điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
  • Hồ sơ:
STT Tên tài liệu Số lượng Hình thức Lưu ý
1 Đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích 01 Bản chính Nội dung theo khoản 2 Điều 362 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
2 Giấy tờ chứng thực cá nhân của người có quyền, lợi ích liên quan 01 Bản sao có chứng thực
3 Giấy tờ chứng thực cá nhân của người bị tuyên bố mất tích 01 Bản sao
4 Tài liệu, chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết 01 Bản sao
5 Tài liệu, chứng cứ chứng minh việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm 01 Bản sao
6 Quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú của Tòa án 01 Bản sao Trường hợp trước đó đã có quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú của Tòa án
  • Lệ phí Tòa án: 300.000 đồng (khoản 1 Điều 4 và mục I-1 Phụ lục B Nghị quyết 326/2016)

5. Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích

  • Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên. Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
  • Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm, thông báo phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nếu có) và phát sóng trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp. Người yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích phải chịu chi phí cho việc đăng, phát thông báo tìm kiếm do.
  • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo tìm kiếm người bị tuyên bố mất tích, Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Tại phiên họp xét đơn yêu cầu, khi có đủ các điều kiện theo quy định thì Tòa án chấp nhận đơn và ra quyết định tuyên bố một người mất tích.
  • Tòa án gửi Quyết định tuyên bố một người mất tích cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Có thể bạn quan tâm: Án phí ly hôn là bao nhiêu? Ai là người phải nộp?

6. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

  • Điều 69 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này”. Ngoài yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích, nếu người có quyền, lợi ích liên quan có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích và được chấp nhận thì trong quyết định tuyên bố một người mất tích, Tòa án còn phải quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người đó theo quy định của Bộ luật dân sự.
  • Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

Trên đây là toàn bộ nội dung của bài viết liên quan đến thủ tục yêu cầu tuyên bố một người bị mất tích. Nếu các bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc nhu cầu tư vấn pháp lý, tố tụng, tư vấn đầu tư vui lòng liên hệ Hotline của Winlegal 0246.29.33.222 để được giải tư vấn giải đáp miễn phí.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *