BẤT CẬP TRONG QUÁ TRÌNH ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC DÂN SỰ KHI CHƯA CÓ ĐIỀU LUẬT ÁP DỤNG

Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự (VVDS) khi chưa có điều luật áp dụng là nguyên tắc tiến bộ, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng nguyên tắc vẫn còn nhiều khó khăn. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

1. NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT VVDS KHI CHƯA CÓ ĐIỀU LUẬT ÁP DỤNG LÀ GÌ?

  • Nguyên tắc giải quyết VVDS khi chưa có điều luật áp dụng trong TTDS là những tư tưởng pháp lý chỉ đạo việc xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, cũng như việc lựa chọn, áp dụng các nguồn khác của pháp luật của Tòa án khi có sự yêu cầu nhằm thiết lập lại quyền và lợi ích hợp pháp trong các quan hệ pháp luật dân sự cho các chủ thể bị xâm phạm mà tại thời điểm đó chưa có điều luật để áp dụng.
  • Theo Điều 45 BLTTDS 2015, việc áp dụng các căn cứ để giải quyết VVDS trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng được thực hiện theo thứ tự sau: (1) Áp dụng tập quán; (2) Áp dụng tương tự pháp luật; (3) Áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng.

2. KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC

2.1 Về việc xác định VVDS khi chưa có điều luật áp dụng 

  • Về nguyên tắc khi có yêu cầu khởi kiện, yêu cầu giải quyết VVDS thì Tòa án không được từ chối giải quyết VVDS ngay cả khi không có điều luật áp dụng. Tuy nhiên, không phải mọi khởi kiện, yêu cầu đều được Tòa án giải quyết nếu như VVDS đó không thỏa mãn điều kiện “quan hệ được yêu cầu giải quyết thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự”. 
  • Việc xác định VVDS chưa có điều luật áp dụng có thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự hay không vẫn là một khó khăn lớn do thực tiễn hiện nay tồn tại nhiều quan hệ mới phát sinh vẫn chưa có thể xác định được phạm vi điều chỉnh của nó. Điều này khiến cho Tòa án khó xác định được xem tranh chấp đó có thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự hay không. 
  • Bên cạnh đó, trên thực tế vẫn còn hiện tượng đương sự bị từ chối giải quyết VVDS. Hiện nay, chế tài xử lý đối với hành vi từ chối thụ lý vụ án không đúng quy định của pháp luật của Thẩm phán vẫn còn nhẹ và không đủ răn đe.

2.2 Trong áp dụng tập quán 

  • Thứ nhất, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về các tập quán và chịu trách nhiệm về sự tồn tại về nội dung của tập quán hoặc có thẩm quyền giải thích tập quán trong trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau về chúng. Điều này gây khó khăn cho Tòa án trong quá trình tiếp cận, hiểu về tập quán đó để vận dụng trong quá trình giải quyết vụ việc. Mặt khác, chính sự mập mờ, chưa rõ ràng đó sẽ rất dễ dẫn tới hiệu quả của việc vận dụng, áp dụng tập quán trong giải quyết các vụ việc của Tòa án là chưa cao, chưa rộng và phổ quát. 
  • Thứ hai, liên quan đến việc áp dụng các quy phạm pháp luật có viện dẫn tập quán, có trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành điều chỉnh cả vấn đề áp dụng tập quán. Trong các điều luật còn lại có liên quan đến áp dụng tập quán nêu trong BLDS vẫn có những quy định gây lúng túng trong quá trình áp dụng.

2.3 Trong áp dụng tương tự pháp luật

  • Khoản 1 Điều 6 BLTTDS 2015 quy định về trường hợp áp dụng tương tự pháp luật khi chưa có văn bản quy phạm pháp luật và tập quán được áp dụng. 
  • BLTTDS 2015 vẫn còn thiếu sót khi chưa quy định rõ được thế nào là tương tự pháp luật, các tiêu chí nhận diện VVDS không có quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp mang yếu tố tương đồng với VVDS có quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp. Điều này đã gây ra khó khăn cho thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc, đòi hỏi Thẩm phán phải có kỹ năng, kiến thức khi giải quyết VVDS khi không có điều luật áp dụng.

2.4 Trong áp dụng án lệ 

  • Thứ nhất, hiện nay số lượng án lệ ở Việt Nam chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của việc xét xử. Số lượng án lệ quá ít là khó khăn không nhỏ trong việc giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Do là chế định mới, một số Tòa án chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ nên còn chậm trễ trong việc gửi báo cáo kết quả rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ về TANDTC. 
  • Thứ hai, việc quy định hiệu lực của án lệ còn thấp so với các loại nguồn pháp luật khác điều này đã gây ra khó khăn trong quá trình áp dụng. Về nguyên tắc, án lệ chỉ được áp dụng khi không có văn bản quy phạm pháp luật, không có tập quán và không thể áp dụng tương tự pháp luật. 

2.5 Trong áp dụng lẽ công bằng 

  • So với các văn bản trước đây, BLTTDS 2015 đã có bước tiến khi xác định: “Lẽ công bằng được hình thành trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”
  • Tuy nhiên, một vụ án chỉ áp dụng lẽ công bằng để giải quyết thì chắc chắn vụ việc đó sẽ rất khó giải quyết. Bởi lẽ, công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải. Vậy thế nào được gọi là lẽ phải? Lẽ phải phải được mọi người trong xã hội thừa nhận như vậy đồng nghĩa khi giải quyết vụ việc Thẩm phán phải triệu tập mọi người đến để xác định lẽ công bằng. Vậy mọi người là bao nhiêu và trong số những người được triệu tập làm việc họ có những quan điểm khác nhau thì giải quyết như thế nào? Điều này vẫn chưa được BLTTDS 2015 giải quyết.

Trên đây là nội dung về bất cập trong quá trình áp dụng nguyên tắc giải quyết VVDS khi chưa có luật áp dụng, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 26/10/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *