Kết hôn trái pháp luật đang là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật là chế tài áp dụng đối với trường hợp những cuộc hôn nhân vi phạm quy định về điều kiện kết hôn của pháp luật. Trong phạm vi bài viết ngày hôm nay, CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL xin gửi đến quý độc giả những thông tin hữu ích các quy định các pháp luật về xử lý kết hôn trái pháp luật ở nước ta hiện nay.
Mục lục
1. Khái niệm kết hôn trái pháp luật
Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 “Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn.”
Các điều kiện kết hôn theo Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, bao gồm:
+ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
+ Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
+ Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
+ Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Kết hôn trái pháp luật là khi hai bên nam nữ đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật nhưng không tuân thủ một trong các điều kiện kết hôn trên. Do đó, cần có biện pháp xử lý đối với những trường hợp này góp phần đảm bảo các điều kiện kết hôn được tuân thủ chặt chẽ.
2. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật
2.1 Thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật
Theo quy định của pháp luật, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật. Khoản 1 Điều 11 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:“Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự”. Như vậy, thẩm quyền huỷ việc kết hôn trái pháp luật thuộc về Toà án và trình tự giải quyết việc dân sự theo quy định của Luật này và BLTTDS năm 2015. Tại Khoản 1 Điều 29 BLTTDS năm 2015 quy định huỷ việc kết hôn trái pháp luật là loại việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Theo quy định tại điểm b Khoản 2, Khoản 4 Điều 35; Điều 37; điểm g Khoản 2 Điều 39; điểm b Khoản 2 Điều 40 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong các bên hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết huỷ việc kết hôn trái pháp luật.
Theo điểm g Khoản 2 Điều 39 BLTTDS năm 2015, thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì: “Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật”. Và tại điểm b Khoản 2 Điều 40 BLTTDS năm 2015, thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu quy định: “… người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án nơi cư trú của một trong các bên đăng ký kết hôn trái pháp luật giải quyết”. Điểm b Khoản 2 Điều 40 BLTTDS năm 2015 là quy định mang tính tùy nghi, đương sự có quyền lựa chọn Tòa án để yêu cầu giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận tiện nhất cho đương sự, tiết kiệm được công sức, vật chất của người dân và Nhà nước, phù hợp với các trường hợp có thể xảy ra trong thực tiễn.
Tóm lại, khi đã xác định được thẩm quyền theo cấp Tòa án là cấp huyện hay cấp tỉnh thì một yếu tố nữa cần xét tới đó là tòa án cấp huyện hay tỉnh nào có thẩm quyền giải quyết? về nguyên tắc thông thường sẽ là Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật sẽ giải quyết tuy nhiên, để thuận tiện cho việc đi lại của đương sự thì người yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật nên lựa chọn nơi mà mình có cư trú (Thường trú hoặc tạm trú) để giải quyết một cách thuận tiện nhất.
2.2 Người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật
Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định những người có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật bao gồm:
– Bản thân người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn tự mình yêu cầu hoặc có quyền đề nghị cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định;
– Nếu việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm các điểm a,c, d khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì các cơ quan, cá nhân, tổ chức sau có quyền yêu cầu:
+ Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
+ Hội liên hiệp phụ nữ.
+ Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức trên yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
2.3 Xử lý cụ thể đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về xử lý việc kết hôn trái luật, Tòa án sẽ quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, cả hai bên vẫn chưa đủ các điều kiện kết hôn theo quy định cụ thể :
- Trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm độ tuổi kết hôn mà tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật các bên vẫn chưa đủ tuổi kết hôn ( Nam chưa đủ đủ 20 tuổi trở lên, nữ chưa đủ 18 tuổi trở lên).
- Trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm sự tự nguyện mà tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật yếu tố vi phạm sự tự nguyện vẫn còn ( một bên vẫn còn bị cưỡng ép, lừa dối).
- Trường hợp kết hôn trái pháp luật do vi phạm điều cấm, tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái luật, vi phạm vẫn còn ( ví dụ người kết hôn vẫn đang là vợ/ chồng của người khác,…)
Trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn.
3. Thủ tục để yêu cầu giải quyết việc kết hôn trái pháp luật
– Hồ sơ cầu có các tài liệu sau:
+ Đơn yêu cầu giải quyết việc kết hôn trái pháp luật;
+ Giấy chứng nhận kết hôn đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình hoặc giấy tờ, tài liệu khác chứng minh đã đăng ký kết hôn; tài liệu, chứng cứ chứng minh việc kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn quy định pháp luật theo Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình.
4. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật
- Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam nữ phải chấm dứt quan hệ vợ chồng
- Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được xử lý như trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Bài viết trên đã nêu lên một số vấn đề lý luận cũng như quy định của pháp luật về xử lý kết hôn trái pháp luật. Thông qua bài viết trên đây chúng tôi mong rằng độc giả đã có thêm những thông tin hữu ích liên quan đến việc kết hôn trái pháp luật. Trong trường hợp quý khách hàng có bất kỳ những yêu cầu tư vấn tìm hiểu thêm thông tin về kết hôn trái pháp luật nói riêng và lĩnh vực hôn nhân gia đình nói chung, xin vui lòng liên hệ để được tư vấn nhanh và chính xác nhất.
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P.Xuân La, Q.Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.222/0976.718.066
Chuyên viên: Ms Luyến
hay
bài viết bổ ích