Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”
Có thể thấy, vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong các vụ án hình sự. Vật chứng chính là vật được người phạm tội dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, mang dấu vết tội phạm,vật bị hành vi phạm tội tác động tới,… Những vật chứng này góp phần lớn trong quá trình điều tra, xác minh hành vi phạm tội, chứng minh một người có phạm tội hay không và làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án.
Ví dụ: Hung khí (dao, kiếm,….) được người phạm tội sử dụng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội; phương tiện hỗ trợ việc thực hiện tội phạm (ô tô, xe máy, tàu, thuyền, điện thoại, …); vật chứng trong các vụ án kinh tế có tổ chức với quy mô lớn như máy móc, thiết bị điện tử, thiết bị vật tư y tế (máy xét nghiệm,…) trong các ngành sản xuất, phương tiện vận tải, thuốc, khoáng sản (cát, than, quặng…), thiết bị năng lượng (các tấm pin mặt trời; máy móc liên quan…), xăng dầu, vật liệu nổ…
Về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”
Thời gian gần đây, các vụ án hình sự liên quan đến tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên xảy ra khá nhiều ở các tỉnh miền Nam của nước ta. Vật chứng được cơ quan chức năng thu giữ liên quan đến các vụ án này như: Tài nguyên do khai thác trái phép (Cát, vàng, đá, xây dựng,…), phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội (Tàu, thuyền, tàu hút, tàu bơm, sà lan,…), tài liệu chứa đựng thông tin liên quan đến hành vi phạm tội (sổ sách,…)
Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên được quy định tại Điều 277 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
“Điều 227. Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
- Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
……
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;
- b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
- c) Có tổ chức;….”
Vấn đề về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
Hiện nay, một số Tòa có quan điểm khác nhau đối với việc xử lý vật chứng trong các vụ án liên quan đến tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Tòa án cấp phúc thẩm trong một vụ án có liên quan tại TP.HCM đã căn cứ khoản 2 Điều 47 Bộ luật hình sự cho rằng:
“Có cơ sở xác định tàu hút số hiệu SG.77xx và tàu hút số hiệu SG.77xx thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần M, khi Công ty cổ phần M cho ông V thuê, Công ty không biết việc sau đó ông V thuê bị cáo T và bị cáo Đ sử dụng 02 tàu hút này vào việc phạm tội. Bản thân ông V khi ký Hợp đồng thuê tàu cũng không báo cáo cho Công ty Cổ phần M biết mục đích thuê để làm gì.
Do đó, Công ty M không có lỗi trong việc để phương tiện thuộc quyền sở hữu của mình bị sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Bản án sơ thẩm tuyên tịch thu hai chiếc tà này là không phù hợp quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần M.”
Tòa án cấp sơ thẩm trong một vụ án có liên quan khác cũng tại TP.HCM lại căn cứ khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự cho rằng: “…chủ sở hữu của các công ty không biết các bị cáo sử dụng để khai thác cát trái phép là không có căn cứ, bởi lẽ …đại diện pháp luật của công ty đều xác định chỉ đứng tên trên danh nghĩa, không thực tế quản lý, điều hành việc khai thác, sử dụng các tài sản trên mà giao cho chồng, con toàn quyền quản lý, bỏ mặc hậu quả xảy ra … không có căn cứ trả lại tàu…”
Bộ luật hình sự quy định về việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, như sau:
“Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
- Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
- a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
- b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
- c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.
- Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
- Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.”
Theo quan điểm của tác giả, công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội được quy định tại khoản 1 của Điều luật trên trước hết các công cụ, phương tiện này thuộc trường hợp thuộc sở hữu hợp pháp của người thực hiện hành vi phạm tội. Đối với các loại vật, tiền mà người phạm tội có được không thông qua việc xác lập quyền sở hữu hợp pháp (có được không hợp pháp theo các quy định bộ luật dân sự) sẽ được điều chỉnh tại khoản 2 Điều trên.
Theo quy định về xác lập quyền sở hữu và căn cứ chấm dứt quyền sở hữu được quy định tại Điều 221 (được quy định cụ thể từ Điều 222 – Điều 236), Điều 237 (được quy định cụ thể từ Điều 238 – Điều 240) Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 221. Căn cứ xác lập quyền sở hữu
Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây:
- Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
- Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
- Thu hoa lợi, lợi tức.
- Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.
- Được thừa kế.
- Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.
- Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
- Trường hợp khác do luật quy định.”
“Điều 237. Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu
Quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:
- Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác.
- Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình.
- Tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy.
- Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu.
- Tài sản bị trưng mua.
- Tài sản bị tịch thu.
- Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật này.
- Trường hợp khác do luật quy định.”
* Qua đây, đặt ra các trường hợp như sau:
Thứ nhất, người phạm tội sử dụng chính công cụ, phương tiện thuộc sở hữu hợp pháp của mình theo các quy định tại BLDS để thực hiện hành vi phạm tội, trường hợp này thể hiện có phần lỗi của chủ sở hữu – chính là người phạm tội trong trường hợp này (có thể là lỗi vô ý hoặc cố ý) (trường hợp này áp dụng khoản 1, Điều 47 BLHS);
Thứ hai, người phạm tội sử dụng tài sản không thuộc sở hữu hợp pháp của mình – tức người phạm tội có được công cụ, phương tiện đó không tuân theo quy định về xác lập quyền sở hữu theo BLDS, mà có được bằng cách chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép công cụ, phương tiện để thực hiện các hành phạm tội. (trường hợp này áp dụng khoản 2, Điều 47 Bộ luật hình sự).
Chiếm đoạt có thể hiểu là khi đối tượng cố ý chiếm giữ tài sản của người khác với mục đích chuyển quyền sở hữu về tài sản (trên thực tế) từ của người khác sang của mình.
Sử dụng trái phép tài sản có thể hiểu là hành vi tự ý khai thác giá trị sử dụng của tài sản, mặc dù không có quyền sử dụng đối với tài sản đó mà không nhằm mục đích chiếm đoạt, chiếm hữu tài sản đó làm của riêng.
Theo BLDS thì quyền sở hữu tài sản bao gồm 3 quyền: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Chỉ khi đủ 3 quyền đó thì mới là chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản, mới có quyền định đoạt tài sản. Người nào chỉ có và chỉ dừng ở việc thực hiện quyền chiếm hữu, quyền sử dụng tài sản thì họ không phải là chủ sở hữu và không có quyền định đoạt tài sản.
Như vậy, chủ sở hữu hợp pháp của tài sản thực tế không hề có lỗi trong trường hợp tài sản của họ bị người khác tự ý sử dụng vào mục đích phạm tội nên cần phản trả lại tài sản cho họ hoặc người quản lý hợp pháp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ và sự công bằng, khách quan của pháp luật. Đồng thời, theo quan điểm của chúng tôi, việc cho mượn tài sản thì vẫn chưa được tính là chuyển quyền sở hữu theo quy định tại BLDS. Đặt ra 2 trường hợp khi tài sản bị sử dụng vào múc đích phạm tội, như sau:
Nếu chủ sở hữu hợp pháp của tài sản hoàn toàn không biết việc khi cho mượn tài sản đó, tài sản sẽ bị sử dụng vào mục đích phạm tội thì áp dụng theo khoản 2 Điều 47 BLHS trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản;
Nếu chủ sở hữu hợp pháp của tài sản biết việc khi cho mượn tài sản đó, tài sản sẽ bị sử dụng hoặc có thể bị sử dụng vào mục đích phạm tội nhưng vẫn cho mượn thì áp dụng theo khoản 3 Điều 47 BLHS.
Thứ ba, vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu (khoản 3 Điều 47 BLHS). Quy định này nói đến những trường hợp cần xem xét về phần lỗi của người sở hữu hợp pháp đối với tài sản để làm căn cứ trả lại hay tịch thu tài sản đó. Tuy nhiên, quy định pháp luật vẫn đang bỏ lửng ở quy định này và sử dụng từ “có thể” phần nào để các Cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc tại từng vụ án cụ thể.
Trên đây là một số quan điểm của tác giả về vấn đề xử lý vật chứng trong vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” với mong muốn hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững tin vào công lý.
Chân thành cảm ơn bạn đọc!
Mọi thắc mắc để được giải đáp cụ thể hơn vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Winlegal.
———————————————
WINLEGAL – TÍN NHIỆM CÙNG THÀNH CÔNG
Địa chỉ: Số 623 La Thành, phường Thành Công, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0246.29.33.222/0976.718.066
Website: https://winlegal.vn/
Facebook: Công ty Luật TNHH Winlegal
Email: winlegal.vn@gmail.com