Căn cứ pháp lý:
I. Khái niệm
1. Thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh giả là gì?
Căn cứ khoản 33 Điều 2 Luật dược 2016, thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp:
– Không có dược chất, dược liệu
– Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu
– Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng lý lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối.
– Được sản xuất, trình bày dàn nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.
2. Hành vi sản xuất hàng giả là gì?
Sản xuất hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả.
3. Hành vi buôn bán hàng giả là gì?
Buôn bán hàng giả là là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu và hoạt động khác đưa hàng giả vào lưu thông.
II. Cấu thành tội phạm
1. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc sản xuất, buôn bán hàng hoá, chống hàng giả.
2. Mặt khách quan
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm gồm 02 hành vi là sản xuất và buôn bán. Một người chỉ thực hiện hành vi sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì chỉ định tội là “sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”, mà không định tội là “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”. Nếu người phạm tội thực hiện cả hai hành vi cùng một đối tượng phạm tội thì định tội là: “sản xuất và buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.
Hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh giả là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội … hậu quả trực tiếp của hành vi phạm tội là xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp thuốc, gây thiệt hại đến lợi ích vật chất, uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hoá bị người phạm tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả. Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành khi có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh xảy ra.
3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm có thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng cũng có thể là pháp nhân thương mại.
Bộ luật Hình sự không quy định thế nào là năng lực trách nhiệm hình sự nhưng có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Điều 21 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Người từ đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều nhưng không có điều nào thuộc Chương XVIII Bộ luật hình sự. Như vậy chủ thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
4. Mặt chủ quan của tội phạm
Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh do lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi sản xuất hàng giả hoặc biết rõ là hàng giả nhưng vẫn buôn bán; thấy trước được hậu quả của của hành vi và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ, mục đích của người phạm tội tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng việc xác định mục đích của người phạm tội có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Nói chung, người phạm tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh bao giờ cũng vì lợi nhuận (thu lợi bất chính).
III. HÌNH PHẠT TỘI PHẠM
1. Cá nhân phạm tội:
Cá nhân phạm tội này sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Nếu phạm tội với một trong số các tình tiết tại Khoản 4 Điều này, cá nhân có thể chịu mức phạt tù có thời hạn 20 năm, tù chung thân hoặc mức phạt cao nhất là tử hình.
Người phạm tội cũng có thể phải chịu một số các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2. Pháp nhân thương mại phạm tội:
Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Trong trường hợp phạm tội thuộc Điều79 BLHS 2015 sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn sẽ phải chịu các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động một trong số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
IV. HẬU QUẢ CỦA TỘI PHẠM
1. Đối với xã hội:
– Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, thuốc phòng bệnh giả còn làm giảm sút lòng tin của người dân vào ngành Y tế, lâu dần gây nhiễu loạn, mất ổn định, trật tự trong xã hội.
– Tội phạm gây ra những hậu quả trực tiếp về sức khỏe, tính mạng cho người dân trong xã hội khi đối tượng là hàng hóa bị làm giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh sử dụng trong lĩnh vực y tế.
2. Đối với doanh nghiệp:
– Các doanh nghiệp chân chính sản xuất và kinh doanh thuốc chữa bệnh bị ảnh hưởng bởi hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
– Thiệt hại đến lợi ích vật chất, uy tín của doanh nghiệp khi thuốc chữa bệnh giả, thuốc phòng bệnh giả được sản xuất có mẫu mã, kiểu dáng tương đồng với thuốc chữa bệnh, phòng bệnh của các doanh nghiệp chân chính sản xuất và kinh doanh trong khi chất lượng kém hơn hoặc không đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Bài viết trên đây đã nói ngắn gọn về tội SX, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà bạn quan tâm. Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm, Công ty Luật TNHH Winlegal cung cấp dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo triển khai nhanh, uy tín cho khách hàng. Mọi nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn pháp lý xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính: Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/0976.718.066
Chuyên viên: Ms. Thương
Ngày xuất bản: 14/12/2023