Mua bán hàng hóa thông qua sở giao dịch hàng hóa là một cách mua bán hàng hóa mà nhiều người chưa được biết tới cũng như hiểu về nó. Trong phạm vi bài viết này, Công ty luật Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về mua bán hàng hóa thông qua sở giao dịch hàng hóa.
Mục lục
I. Cơ sở pháp lý
- Luật thương mại 2005
- Quyết định 4361/QĐ-BCT năm 2010 công bố Danh mục hàng hóa được phép giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
II. Mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa là gì?
Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa nhất định qua Sở giao dịch hàng hoá theo những tiêu chuẩn của Sở giao dịch hàng hoá với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai (điều 63 luật thương mại 2005).
Lưu ý: Hiện nay theo quy định của pháp luật thì chỉ có “Sở giao dịch hàng hóa” chứ không có “Sàn giao dịch giao dịch hàng hóa”
III. Chức năng của sở giao dịch hàng hóa
Sở giao dịch hàng hóa có những chức năng sau:
– Cung cấp các điều kiện vật chất – kỹ thuật cần thiết để giao dịch mua bán hàng hoá;
– Điều hành các hoạt động giao dịch;
– Niêm yết các mức giá cụ thể hình thành trên thị trường giao dịch tại từng thời điểm.
IV. Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa
– Về loại hợp đồng: Hợp đồng mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa gồm:
+ Hợp đồng kỳ hạn: là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng.
+ Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán: là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó.
– Chủ thể của hợp đồng: người bán và người mua;
– Đối tượng của cả hai loại hợp đồng: Theo Quyết định số 4361/QĐ-BCT ngày 18/08/2010 của Bộ Công Thương công bố danh mục hàng hóa được phép giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa, có tám đối tượng được phép mua bán qua sở giao dịch hàng hóa là:
+ (l) Cà phê nhân, chưa rang, chưa khử chất cà-phê-in;
+ (2) Mủ cao su tự nhiên, đã hoặc chưa tiền lưu hóa;
+ (3) Cao su tự nhiên ở dạng tấm cao su xông khói;
+ (4) Cao su tự nhiên đã được định chuẩn kỹ thuật;
+ (5) Các sản phẩm thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600 mm trở lên, được cán nóng, chưa phủ, mạ hoặc tráng;
+ (6) Các sản phẩm thép không hợp kim được cán phang, có chiều rộng từ 600 mm trở lên, cán nguội (ép nguội), chưa dát phủ, mạ hoặc tráng;
+ (7) Các sản phẩm thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ;
+ (8) Các sản phẩm thép không hợp kim ở dạng thanh và que khác, mới chỉ qua rèn, cán nóng, kéo nóng hoặc ép đùn nóng, kể cả công đoạn xoắn sau khi cán.
– Thời điểm giao kết hợp đồng khác với thời điểm thực hiện hợp đồng;
– Mục đích của hợp đồng không phải là hàng hóa được giao mà là được hưởng chênh lệch do có sự biến động về giá hàng biến động giữa giá hàng lúc giao kết với giá hàng khi phải giao hàng;
– Thị trường mua bán là sở giao dịch hàng hóa.
V. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng kỳ hạn
– Trường hợp người bán thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán.
– Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên mua có thể thanh toán bằng tiền và không nhận hàng thì bên mua phải thanh toán cho bên bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.
– Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên bán có thể thanh toán bằng tiền và không giao hàng thì bên bán phải thanh toán cho bên mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.
VI. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng quyền chọn
– Bên mua quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán phải trả tiền mua quyền chọn để được trở thành bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán. Số tiền phải trả cho việc mua quyền chọn do các bên thoả thuận.
– Bên giữ quyền chọn mua có quyền mua nhưng không có nghĩa vụ phải mua hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng.
+ Trường hợp bên giữ quyền chọn mua quyết định thực hiện hợp đồng thì bên bán có nghĩa vụ phải bán hàng hoá cho bên giữ quyền chọn mua.
+ Trường hợp bên bán không có hàng hoá để giao thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.
– Bên giữ quyền chọn bán có quyền bán nhưng không có nghĩa vụ phải bán hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng.
+ Trường hợp bên giữ quyền chọn bán quyết định thực hiện hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ phải mua hàng hoá của bên giữ quyền chọn bán.
+ Trường hợp bên mua không mua hàng thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.
– Trường hợp bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán quyết định không thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực.
Trên đây là một số quy định liên quan đến mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa theo quy định của pháp luật. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My
Ngày xuất bản: 08/11/2023