THAY ĐỔI, CHUYỂN GIAO, CHẤM DỨT VIỆC GIÁM HỘ

Giám hộ là một yếu tố quan trọng và cần thiết để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của người chưa đủ, mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, có những thời điểm, trường hợp phải thay đổi, chuyển giao và chấm dứt việc giám hộ. Hãy cùng WINLEGAL tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

1. Quy định về thay đổi việc giám hộ tại Điều 60 BLDS 2015

  • Quy định thay đổi người giám hộ là cần thiết, bởi lẽ giám hộ có ý nghĩa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ, tuy nhiên sẽ có những trường hợp người giám hộ lại làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân giám hộ nên pháp luật quy định sự thay đổi nhằm đảm bảo việc giám hộ được thực hiện đúng mục đích.
  • Thay đổi người giám hộ được quy định trong 4 trường hợp như: (i) Người giám hộ không còn đủ điều kiện giám hộ; (ii) Người giám hộ là cá nhân bị chết hoặc bị Tòa tuyên bố mất năng lực, hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích; (iii) Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ; (iv) Người được giám hộ yêu cầu thay đổi người giám hộ. 
  • Khi quan hệ giám hộ bị ảnh hưởng thì cá nhân có quyền thay đổi người giám hộ nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Các trường hợp trên đều phù hợp với pháp luật và việc thay đổi phải thực hiện theo quy trình cụ thể và hợp pháp, theo quy định của pháp luật.
  • So với BLDS 2005, BLDS 2015 chỉ bổ sung thêm một số trường hợp có thể thay đổi người giám hộ.

2. Quy định về chuyển giao giám hộ tại Điều 61 BLDS 2015

Chuyển giao giám hộ được hiểu là quá trình thay đổi người giám hộ này sang người giám hộ khác. Có thể coi đây là hậu quả pháp lý tất yếu xảy ra đối với việc thay đổi người giám hộ. Quy trình chuyển giao giám hộ phải đáp ứng các yêu cầu nhất định như sau:

  • Thứ nhất, việc chuyển giao giám hộ phải được thực hiện trong vòng 15 ngày kể từ ngày xác định người giám hộ mới. Điều này giúp bảo vệ quyền và lợi ích của người được giám hộ liên tục phòng trường hợp phát sinh trong lúc chuyển giao. Tuy nhiên, vẫn chưa bao quát hoàn toàn trong trường hợp người giám hộ mất tích hoặc chết cũng như chưa xác định được người giám hộ mới trong khoảng thời gian ngắn.
  • Thứ hai, việc chuyển giao phải được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, được lập thành văn bản vả được sự chứng kiến của cơ quan cử nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch của nội dung chuyển giao.

3. Quy định về chấm dứt giám hộ tại Điều 62 BLDS 2015

  • Việc chấm dứt người giám hộ có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người được giám hộ nên nó được quy định chặt chẽ tại Điều 62. Việc chấm dứt được thực hiện trong các trường hợp như sau: (i) Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (ii) Người được giám hộ chết; (iii) Cha, mẹ của người được giám hộ đã có đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ của mình; (iv) Người được giám hộ được nhận làm nuôi.
  • Việc chấm dứt giám hộ là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ trong các hoàn cảnh đó, việc giám hộ không còn cần thiết và các quan hệ dân sự của người được giám hộ đã không còn hoặc đã được đảm bảo bởi yếu tố khác.
  • Việc quy định chấm dứt giám hộ của BLDS 2005 hoàn toàn giống với BLDS 2015. 

4. Hậu quả của chấm dứt việc giám hộ tại Điều 63 BLDS 2015

Chấm dứt việc giám hộ là việc chấm dứt một quan hệ xã hội giữa người giám hộ và người được giám hộ dẫn đến những hậu quả nhất định. Các hậu quả trên được phân ra các trường hợp cụ thể:

  • Trường hợp thứ nhất: Việc giám hộ chấm dứt tại điểm a khoản 1 Điều 62 BLDS 2015 (người được giám hộ đã có hành vi năng lực dân sự đầy đủ) thì người giám hộ phải chuyển giao tất cả tài sản, quyền và nghĩa vụ phát sinh lại cho người được giám hộ, bởi lẽ họ đã có đủ năng lực hành vi dân sự.
  • Trường hợp thứ hai: Việc giám hộ chấm dứt tại điểm b khoản 1 Điều 62 BLDS 2015 (người được giám hộ chết) thì việc chuyển giao tài sản và quyền được chuyển cho người thừa kế của người được giám hộ.
  • Trường hợp thứ ba: Việc giám hộ chấm dứt tại điểm c khoản 1 Điều 62 BLDS 2015 khi người được giám hộ đã có cha mẹ đẻ đủ điều kiện chăm sóc thì tài sản, quyền và nghĩa vụ phát sinh được chuyển cho cha mẹ đẻ.

Nội dung của hậu quả chấm dứt giám hộ của BLDS 2015 đã tách biệt hậu quả của từng trường hợp nhằm dễ dàng thực hiện và áp dụng hợp lý hơn.

Trên đây là nội dung về thay đổi, chuyển giao, chấm dứt việc giám hộ theo quy định pháp luật hiện hành, WINLEGAL chia sẻ đến bạn. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL

Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066

Chuyên viên: Minh Trang

Ngày xuất bản: 04/11/2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *