Mỗi một hàng hóa đều có một kiểu dáng thiết kế riêng để phân biệt với những loại hàng hóa cùng loại khác. Để tránh thiết kế sản phẩm của mình bị bên khác sử dụng tạo ra sự nhầm lẫn đối với người tiêu dùng thì các doanh nghiệp cần phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, công ty Winlegal sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn các điều kiện để được đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Mục lục
I. Cơ sở pháp lý
- Luật sở hữu trí tuệ 2005
II. Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.
III. Điều kiện chung đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ
Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có tính mới
– Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
– Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.
– Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
– Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
+ Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86, Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022);
+ Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86, Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022) công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
+ Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86, Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022) trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
2. Có tính sáng tạo
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
3. Có khả năng áp dụng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để
chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
IV. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
– Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
– Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
– Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Những đối tượng này không thể hiện tính mới, tính sáng tạo nhiều vì những kiểu dáng kiến trúc, kiểu dáng mang tính chức năng hoặc đặc tính kỹ thuật của sản phẩm kỹ thuật bắt buộc phải có, thì không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp.
V. Lợi ích của việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp
-Chỉ khi nộp đơn đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký, quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu mới được phát sinh. Do đó việc chỉ khi đăng ký thì kiểu dáng công nghiệp mới được bảo vệ.
– Được độc quyền sử dụng kiểu dáng trong thời hạn 15 năm, do đó, tạo rất nhiều lợi thế cạnh tranh với bên khác;
– Được pháp luật bảo vệ khi có hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký;
Trong thời gian 15 năm độc quyền, chủ sở hữu có thể tiến hành chuyển nhượng, cho phép bên thứ 3 sử dụng trên cơ sở thu phí chuyển nhượng, sử dụng…vv. Do đó, sẽ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cho chủ sở hữu.
Trên đây là những giải đáp về điều kiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Quý khách có nhu cầu muốn tìm hiểu thông tin xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH WINLEGAL
Trụ sở chính (văn phòng giao dịch): Lô 09 khu N1 ngõ 1, đường Nguyễn Hoàng Tôn, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: 0246.29.33.222/ 0976.718.066
Chuyên viên: Thảo My
Ngày xuất bản: 25/01/2024